Võ sư mình đồng da sắt ở Hà Nội 28/09/2011

Thân nằm trên bàn đinh rồi cho người khác đặt đá lên đập; vừa biểu diễn nhạc cụ vừa đóng đinh vào người; chạy trên mặt nước… tưởng chừng như đây là những màn ảo thuật chỉ có ở các ảo thuật gia. Tuy nhiên, đó lại là những kỳ tích mà những “dị nhân” khí công của Việt Nam đã làm được.

Chúng tôi tìm đến ngôi nhà nhỏ nằm trong con ngõ 82 đường Phạm Ngọc Thạch (Đống Đa – Hà Nội), đây chính là mái ấm của dị nhân Chử Đức Vân, người mà được bà con nơi đây gắn cho cái tên “võ sư mình đồng da sắt”. Hơn 25 năm luyện khí công, cơ thể của dị nhân này có thể chịu được những việc mà người bình thường phải sửng sốt, lắc đầu.

Kê người đập đá, đá vỡ người lành

Võ sư Vân sinh năm 1960, có 25 năm học khí công tại môn phái Thăng Long võ đạo. Mặc dù đã qua cái tuổi U50 nhưng thân hình dị nhân vẫn cường tráng như chàng trai tuổi đôi mươi.

Trên bức tường căn phòng nhỏ của dị nhân này treo rất nhiều huy chương và giấy khen của các cuộc thi võ thuật. Võ sư Vân cho biết, ông chỉ mang mấy danh hiệu về treo ở nhà, số khác để lại ở nhà thờ môn phái. Đến bây giờ, chính võ sư Vân cũng không biết mình đã giành được bao nhiêu huy chương vàng trong các giải thi khí công tại Hà Nội.

Chỉ vào tấm huy chương vàng treo trên tường, dị nhân Vân kể: “Tôi nhớ đây là tấm huy chương tôi đi thi đấu biểu diễn khí công trước năm 2000. Lúc đó, tôi được Võ đường giao nhiệm vụ biểu diễn chiêu thức “Khẩu lợi công” (có nghĩa là dùng hàm răng để nâng những vật nặng lên cao – PV). Lần lượt các võ sinh phải dùng răng nâng chiếc bàn có trọng lượng khoảng 60 kg lên và đi hai vòng quanh sân khấu. Lúc đến phần tôi biểu diễn, tôi phải nâng thêm chiếc lư hương của môn phái lên trên bàn để tỏ lòng tôn kính với các bậc tiền bối. Chiếc lư hương này có trọng lượng khoảng 20kg nữa. Lúc này, chiếc bàn đã nặng đến 80kg”.

Cũng như thường lệ, trước lúc thể hiện, dị nhân Chử Đức Vân ra thế đứng tấn, vận khí vào người rồi đẩy lên hàm răng. Được biết, khi được vận khí vào, hàm răng của người luyện khí công cứng như thép, tạo thành gọng kìm có thể nâng bổng một vật rất nặng. Võ sư Vân dùng răng cắn chặt vào cạnh bàn rồi nâng cao đi hai vòng quanh võ đài trước sự trầm trồ khen ngợi của khán giả. Đến phút cuối, khi đã đặt chiếc bàn xuống, do cắn quá sâu khiến một mảnh bàn bị vỡ.

“Dị nhân” Chử Đức Vân đang vận khí cho người khác đánh.

Hay một cuộc thi khác, dị nhân Chử Đức Vân đã khiến khán giả tại nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức nổ tung khi chứng kiến màn biểu diễn kê tay đập ngói. Các võ sinh xếp khoảng 50 viên ngói thành một hàng. Đây là một màn biểu diễn khó đòi hỏi người biểu diễn phải có nội và ngoại công thâm hậu.

“Tôi tiến ra sân khấu, chào khán giả và bắt đầu vận khí. Khi tôi hít thở vào, cảm tưởng có một luồn khí chạy dọc cơ thể. Khi vận khí, tâm con người phải hoàn toàn tĩnh, không được nghĩ đến bất cứ thứ gì cả. Tôi đẩy khí vào tay phải, vì đây là tay mà tôi sẽ dùng kê đập ngói. Tôi đặt tay lên chồng ngói, hai môn sinh khiêng một tảng đá hơn 100kg nâng bổng viên đá lên và dập mạnh một cú xuống tay tôi khiến chồng ngói 50 viên bị vỡ vụn. Tất cả khán giả đứng lên vỗ tay tán thưởng”, võ sư Chử Đức Vân hào hứng kể lại.

Ngay sau đó, dị nhân này đã khiến cho khán giả trong nhà thi đấu phải bịt mắt khi chứng kiến phần biểu diễn của mình. Dị nhân gác đầu lên bàn đinh rồi cho người khác đặt gạch lên đầu. Một thanh niên khoẻ mạnh vác chiếc búa tạ quai mạnh và giáng xuống, 5 viên gạch gãy đôi nhưng đầu ông vẫn lành lặn. Tiếng la hét kinh sợ vang cả nhà thi đấu, võ sư Vân đứng dậy, vận khí để trở lại trạng thái bình thường. Lúc này vẫn có nhiều khán giả che mắt, không dám nhìn. Có lẽ, kỷ lục lớn nhất trong thời kỳ đỉnh cao của dị nhân này đó là nằm trên bàn đinh, đặt khối đá 100kg trên người, dùng búa tạ đập mà cơ thể không hề xây xát. Đến bây giờ, ra ngoài đường, nhiều người vẫn nhớ đến tôi sau màn biểu diễn này.      

Thử tài và những hồi ức của “dị nhân”

Để minh chứng cho khí công “mình đồng da sắt”, võ sư Vân lấy ra một thanh sắt có chiều dài khoảng 1,2 mét, bản rộng khoảng 6 cm, dày khoảng 1 cm. Dị nhân đưa cho tôi và yêu cầu tôi dùng thanh sắt nặng khoảng 6kg này đánh vào người ông. Sau một vài tư thế để vận khí, cơ thể của dị nhân phồng ra như chiếc lốp ô tô được bơm hơi, thớ thịt co thắt lại tạo nên khối cơ trồi lên rắn như sắt đá. Võ sư Vân đứng ra giữa nhà, tôi nhắm mắt dùng hết sức bình sinh, quật mạnh thanh sắt vào lưng và bụng ông. Tuy nhiên, phải đến cú quật thứ 6, thanh sắt nặng hơn 6kg này mới chịu cong vẹo.

Mặc dù là người được đánh nhưng sau 6 lần “xuất chiêu” mặt tôi tái xanh vì mệt nhưng sắc mặt dị nhân không hề thay đổi. Hồi khí lại, võ sư Chử Đức Vân cười hào sảng: “Thanh niên gì mà yếu như sên vậy. Người học võ như chúng tôi, khi biểu diễn, chỉ cần một cú là thanh sắt có thể cong hơn thậm chí nếu lực quật mạnh, thanh sắt sẽ gãy đôi. Đây gọi là môn “Thiết bố sam”, dùng cơ thể để chống lại những tác động bên ngoài. Nếu luyện thành công môn này, chúng ta có thể chịu được lực tác động từ vài kg đến hàng tạ mà không việc gì cả”.

Khi hỏi về cơ duyên đến với võ thuật, võ sư Vân cho biết, lúc nhỏ vì có thể trạng nhỏ nhất lớp nên ông thường xuyên bị bạn bè bắt nạt. Năm 16 tuổi, nghe danh tiếng cụ Nguyễn Văn Nhân, người thụ giáo môn võ lừng danh Thiếu lâm gia truyền tại Hà Nội, ông tìm đến mong được bái sư với ước muốn xin theo học võ để tăng cường sức khoẻ. Lúc này, để được cụ Nhân tuyển chọn dạy võ không phải là một điều đơn giản, lúc ông đến đã có hơn 100 đệ tử chầu chực trước cổng để xin theo cụ cho học.

“Tuy nhiên, nhìn những người khác to lớn, rất có khí thế võ thuật khiến tôi nhụt chí, nghĩ cụ sẽ không bao giờ nhận nên không dám đăng kí, chỉ lẳng lặng nhìn lén cụ và những học trò tập luyện rồi về tập theo những động tác. Sau tháng ngày học “lỏm”, thầy Nhân gọi tôi vào lớp và truyền dạy võ Thiếu lâm. Tuy nhiên, vì cuộc sống nên tôi không theo được môn võ này”, dị nhân Vân kể lại.

Năm 1986, trong một lần tình cờ gặp võ sư Nguyễn Văn Thắng, Trưởng môn nhân phái Thăng Long võ đạo, võ sư Vân xin nhập môn phái học võ và luyện khí công. Sau hơn 10 năm học tại đây, võ sư Vân đã có thể làm được những điều phi thường khiến người khác phải gọi ông là “dị nhân”.

Dị nhân mình đồng da sắt kể: “Ngày đầu tôi luyện môn Thiết xa chưởng, sư phụ bắt tôi phải tự vót 12 cây đũa. Lúc đầu mới tập, tôi dùng tay đóng những chiếc đũa này xuống đất cứng. Mặc dù tay bị thương nhưng đó là rèn luyện sự chịu đựng và sự dũng cảm. Sau này khi luyện thành công Thiết xa chưởng, chỉ cần một động tác, tôi có thể đóng liền 12 chiếc đũa ngập xuống đất mà tay vẫn lành lặn như thường. Hay tôi đứng tấn để cho người khác đập gãy thanh sắt khoảng 7mm vào người mà không hề hấn gì cả”.

Theo võ sư Chử Đức Vân, học khí công không nhất thiết phải học trong nhiều năm mới có thể đạt đến đẳng cấp thượng thừa. Có khi, có những người học mấy chục năm nhưng chưa đạt đến trình độ của người học một vài năm. Bởi vì, luyện khí công là phải thắng được sức ỳ của chính mình. Có thể cùng một thầy, một bài, cùng một thời gian tập luyện nhưng có người có khí công rất tốt có người lại không luyện thành công được. Đây là điều đặc biệt của khí công nói riêng và võ thuật nói chung.

Tag :