Viết cho Chử Đức Liêm: Một cuộc đời ngắn ngủi nhưng rực rỡ như hoa hướng dương 16/08/2015

Cuộc đời của em không dài, nhưng em đã làm tất cả trong khả năng của mình để khiến nó trở nên ý nghĩa nhất có thể. Như một đóa hoa hướng dương, luôn vươn mình hướng về phía mặt trời…

Kể từ khi công tác xa nhà, mạng xã hội luôn là nơi giúp tôi cập nhật thông tin về bạn bè, người thân. Sáng ngày 15/8, tôi tỉnh dậy và theo thói quen vội vã lướt newsfeed Facebook để theo dõi những dòng trạng thái mới từ mọi người, để rồi dừng lại trước một bức ảnh. Tôi đã thấy tấm hình đen trắng chụp em Liêm đang cười rất tươi này nhiều lần, nhưng những dòng chữ đi kèm bức ảnh không khỏi làm tim tôi thắt lại. Chàng trai với nụ cười luôn nở trên môi ấy đã ra đi vĩnh viễn.

“Buồn mà không khỏi được thì buồn làm gì”
Lần đầu tôi gặp Liêm là dịp gần Giáng Sinh ba năm trước, trong một đợt tổ chức từ thiện của công ty. Nơi được chọn cho hoạt động thiện nguyện ấy là Khoa ung bướu trẻ em của bệnh viện K Tam Hiệp, nơi hàng chục bệnh nhân từ lứa tuổi nhi đồng cho tới thiếu niên đang điều trị căn bệnh ung thư. Chứng kiến những em bé đang ở tuổi cắp sách đến trường hay những người trạc tuổi mình phải gắng sức chiến đấu với căn bệnh hiểm nghèo từng ngày một, tôi và những người trong đoàn không tránh khỏi cảm giác xót xa.
Chúng tôi được giới thiệu tới gặp Chử Đức Liêm – cậu sinh viên khoa Sử của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn. Nếu không được bác sĩ giới thiệu trước rằng Liêm đang điều trị tại đây thì tôi đã nghĩ em cũng chỉ là một người đến thăm các bệnh nhân như tôi. Liêm chỉ kém tôi một tuổi song từ năm lớp 10, em đã phải nhận kết quả chuẩn đoán mắc bệnh ung thư xương. Ở cái tuổi ăn tuổi chơi ấy mà phải nhận hung tin như vậy, có lẽ với nhiều người cánh cửa tương lai đã khép lại hoàn toàn. Song Liêm thì không như vậy. Chàng trai ấy đã tìm được động lực để chống chọi lại với căn bệnh quái ác này từ tấm gương chị Lê Thanh Thúy trong cuốn sách “Xin hãy cho con thêm thời gian”. Nghị lực của em được thể hiện qua thành tích thi đậu vào đại học với số điểm cao, trước khi phải tạm bảo lưu kết quả để vào viện điều trị căn bệnh ung thư đã trở thành di căn và lan vào phổi.
Khi gặp chúng tôi, Liêm vui vẻ chào mọi người và tự giới thiệu bản thân cũng như từng bệnh nhân trong khoa. Liêm khiến tất cả phải ngạc nhiên khi nhớ mặt, thuộc tên và hoàn cảnh của từng bệnh nhân cũng như người nhà của họ. Nhìn cái cách nói chuyện hoạt bát tươi tỉnh của em, khó có thể tưởng tượng rằng nơi đây là nơi điều trị của những bệnh nhân xa lạ đến từ nhiều nơi khác nhau. Khoa nhi của viện K khi ấy đem lại cho tôi cảm giác của một đại gia đình, với Liêm là điểm trung tâm kết nối tất cả lại với nhau.
Sau này khi Liêm được nhiều người biết tới nhiều hơn với chương trình ý nghĩa “Điều ước thứ bảy”, đã có nhiều người gọi em là “chú lính chì dũng cảm” hay “đóa hoa hướng dương” bởi dù đã phải cắt đi một chân vì bệnh ung thư nhưng Liêm vẫn luôn không ngừng lạc quan. Còn đối với tôi, em là một người truyền cảm hứng. Bởi bất kỳ ai đã từng gặp chàng trai ấy – dù chỉ một lần trong đời – đều không thể quên được nguồn năng lượng lạc quan và nụ cười luôn nở trên môi em.
Tôi vẫn nhớ ngày hôm sau khi chương trình diễn ra, Liêm đã đại diện cho các bệnh nhân nhi đang điều trị tại viện K đứng lên phát biểu. Trong một khoảng sân nhỏ chật cứng các bệnh nhân và người nhà ấy, em đã nói về căn bệnh ung thư quái ác, về hy vọng và động viên những người cũng hoàn cảnh hãy vững tin về một ngày mai. Lúc ấy, tôi đã tự hỏi: “Làm sao một người đang mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo ở lứa tuổi đẹp nhất cuộc đời con người như em lại có thể sở hữu một nghị lực đến nhường ấy?”. 
Trong suốt thời gian quen em, tôi chưa một lần thấy em thể hiện sự buồn bã hay tuyệt vọng. Khi được hỏi rằng em phải truyền thế có mệt không, em chỉ đáp lại “Hơi mệt thôi anh à, anh đừng lo” rồi lại nở nụ cười. Đứng trước em, tôi chợt thấy những vấn đề trong cuộc sống mình trở nên quá nhỏ bé và cỏn con, chẳng là gì nếu so với những đau đớn em đối chọi hàng ngày. Em không chỉ truyền cảm hứng cho những người mang bệnh mà còn cả những người khỏe mạnh, như cách em nói về nỗi buồn: “Nếu buồn mà khỏi được bệnh thì hẵng buồn, chứ nếu buồn mà không khỏi được thì buồn làm gì”.
 
Chàng trai của những nụ cười
 
Kể từ khi tôi đi công tác xa nhà cho đến khi có dịp trở về nhà đợt Tết Âm lịch vừa qua là khoảng thời gian gần hai năm. Trong quãng thời gian ấy, tôi vẫn theo dõi những hoạt động của Liêm trên mạng xã hội và báo chí để rồi ngày càng khâm phục chàng trai ấy. Em đã trở thành sáng lập viên của chương trình “Sáng mãi nụ cười em” của CLB Nụ cười – một chuỗi chương trình giúp gieo nụ cười và hạt giống hy vọng lên các em nhỏ mắc bệnh ung thư thông qua các hoạt động thiện nguyện, vui chơi cộng đồng.
Ngay cả khi không có thể trực tiếp tham gia chương trình do điều kiện sức khỏe không cho phép, Liêm vẫn đóng góp vào chương trình bằng cách sử dụng Facebook cá nhân được nhiều người biết tới để giới thiệu về chương trình và kêu gọi những sự giúp đỡ. Bằng cách này hay cách khác, Liêm vẫn là thủ lĩnh về tinh thần và tiếp thêm nghị lực cho những em nhỏ đang mắc bệnh ung thư, dù bản thân em cũng đang chống trọi với căn bệnh ngày một xấu đi!
Ngày tôi về và qua thăm em, em đã gầy rộc hẳn đi sau những ngày tháng trên giường bệnh. Em đã trở về nhà để gia đình chăm sóc và hàng ngày ở trên giường đọc sách, nghe kinh Phật để tĩnh tâm. Nhưng nụ cười tươi rạng rỡ và đôi mắt tinh anh ấy vẫn còn nguyên. Điều tôi bất ngờ nhất là việc em cho biết mình vẫn theo dõi những bài viết, những chuyến đi tới những vùng đất mới của tôi … đủ để tôi nhận ra em vẫn luôn quan tâm tới mình và mọi người xung quanh.
Liêm thậm chí còn chọc cười và an ủi tôi về một chuyện không vui khiến tôi không khỏi vừa buồn cười vừa xúc động, bởi đáng ra tôi mới phải là người động viên em. Nhưng em luôn là như vậy, luôn muốn mọi người xung quanh được nở nụ cười, được thoải mái tận hưởng những niềm vui cuộc sống này đem lại. Qua chia sẻ của một người bạn của Liêm trên Facebook, tôi được biết rằng em đã dặn những người tới tiễn đưa em lần cuối đừng than khóc …
Liêm rất yêu và thương mẹ, người đã luôn chăm lo cho em kể từ khi bị bệnh và giúp em luôn tâm niệm rằng: “Thời gian ta sống không quan trọng bằng những gì ta đã làm được trong quãng đời này để cuộc sống trở nên ý nghĩa”.
Trong chương trình “Điều ước thứ bảy”, em từng chia sẻ rằng: “Nếu chỉ còn một ngày để sống, em muốn nụ cười và sự yêu thương sẽ lan tỏa và ngập tràn cuộc sống này.” Đọc những dòng chia sẻ mà bạn bè hay những người quen biết em sau khi em ra đi, tôi tin rằng điều ước của em đã trở thành sự thật. Liêm đã trở thành một tấm gương sống về nghị lực và niềm lạc quan đối với nhiều người, bằng những cách trực tiếp hay gián tiếp. Nếu như câu chuyện của chị Thúy đã cho em bản lĩnh chống chọi với bệnh tật ra sao, thì em cũng đã truyền ngọn lửa chiến đấu tương tự ấy cho biết bao bệnh nhân khác qua nụ cười thường trực trên môi và những hoạt động của mình. Cuộc đời của em không dài, nhưng em đã làm tất cả trong khả năng của mình để khiến nó trở nên ý nghĩa nhất có thể. Như một đóa hoa hướng dương, luôn vươn mình hướng về phía mặt trời.
Sáng nay, bầu trời nắng đẹp lắm. Như nụ cười của em vậy.
Istanbul, ngày 15/8/2015
theo http://kenh14.vn

Tag :