TS. Chử Đức Hoàng chia sẻ kinh nghiệm cùng các nhà khoa học, nhà sáng chế tại Việt Nam sẽ có cơ hội được thương mại hóa kết quả nghiên cứu của mình với Chương trình Đào tạo Thương mại hóa kết quả nghiên cứu (Leaders in Innovation Fellowships – LIF) lần thứ 4 do Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (NATEC) thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ (Bộ KH&CN) hợp tác với Viện hàn lâm Kỹ thuật Hoàng gia Anh triển khai.
Nói về hiệu quả của chương trình LIF, ông Chử Đức Hoàng – Phó trưởng phòng tài trợ đề tài và hoạt động đổi mới công nghệ, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia (NATIF): “Theo quan điểm cá nhân và kinh nghiệm của chính tôi khi tham gia chương trình LIF, tôi thấy rằng lợi ích của chương trình này dành cho các nhà khoa học, sinh viên, nghiên cứu sinh, các doanh nghiệp sáng tạo,… là rất nhiều. Khóa đào tạo bên Anh sẽ hỗ trợ cho các bạn nâng cao năng lực, tư duy, nhận thức của học viên về các sản phẩm, dự án của mình, nâng cao giá trị gia cũng như phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam.
Do đó, chương trình đào tạo sẽ mang lại nhiều giá trị cốt lõi để người tham gia có thể tư duy thương mại hóa sản phẩm, thể hiện ở một số yếu tố như: được hỗ trợ mạng lưới kết nối với không chỉ các nhà khoa học Việt Nam, mà còn có các chuyên gia đến từ Anh, cao hơn nữa là các nhà khoa học và công ty tương đương trong 14 quốc gia trong khuôn khổ của chương trình. Thêm vào đó, các học viên sẽ được cung cấp một góc nhìn khác, góc nhìn của các quốc gia phát triển, học hỏi về cách triển khai thực hiện hoạt động sản phẩm dịch vụ. Cuối cùng, các học viên được cung cấp một tầm nhìn bao quát để phát triển ý tưởng, nghiên cứu của mình lâu dài, bền vững…”
Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ của chương trình hợp tác nghiên cứu đổi mới giữa Việt Nam và Vương quốc Anh, được tài trợ bởi Quỹ Newton Fund, nhằm tìm kiếm các ứng viên Việt Nam có sản phẩm sáng tạo, có tiềm năng thương mại hóa để tập huấn tại Vương quốc Anh.
Chương trình hướng đến mục tiêu nâng cao năng lực cho các nhà khoa học, nhà sáng chế, doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực thương mại hóa kết quả nghiên cứu, đặc biệt là các giải pháp sáng tạo có ý nghĩa thực tiễn góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội cho đất nước, giúp xây dựng mạng lưới quốc tế giữa những nhà sáng chế, nhà khoa học và các doanh nhân công nghệ. Do đó, các ứng viên khi tham gia chương trình sẽ được đào tạo về mặt kiến thức, kĩ năng để có thể thương mại hóa được các nghiên cứu của mình trên thị trường.
Ban tổ chức chương trình cho biết, lần đầu tiên được tổ chức năm 2014, mỗi năm chương trình đều thu hút rất đông đảo các ứng viên đăng kí tham dự.
Tại chương trình LIF lần thứ ba (cũng như tại các chương trình LIF trước đó), để hỗ trợ cho các ứng viên có được các kiến thức nền tảng để đăng ký tham gia, Trung tâm TSC đã tổ chức 2 lớp đào tạo kiến thức cơ bản về thương mại hoá, quản trị sản xuất và sở hữu trí tuệ, đồng thời mời các cựu học viên của 2 khoá LIF trước hướng dẫn khai hồ sơ đăng ký và kinh nghiệm tham gia chương trình tại Tp. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Lớp học nhận được sự quan tâm và tham gia của hơn 40 ứng viên và có được phản hồi tích cực về nội dung đào tạo.
Sau khi tham gia lớp đào tạo, các ứng viên đã hiểu rõ hơn về chương trình, được chia sẻ kinh nghiệm tham dự và cách viết hồ sơ đăng ký. Vì vậy, trong số các hồ sơ nộp tham dự chương trình LIF, giải pháp sáng tạo (GPST) của những ứng viên đã tham dự khoá học được hội đồng thẩm định cấp Bộ Khoa học & Công nghệ đánh giá cao hơn và các ứng viên đó cũng thể hiện tốt hơn trong vòng phỏng vấn của hội đồng cấp Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN.
Kết quả là, chương trình LIF lần thứ ba đã có 14 học viên có hồ sơ xuất sắc nhất đã được chọn để sang Anh học tập với sự dẫn dắt của trưởng đoàn là anh Trần Xuân Đích – Phó Cục trưởng Cục PTTTDN. Trình độ ngoại ngữ và giải pháp vô cùng sáng tạo của các học viên Việt Nam đã nhận được rất nhiều lời khen ngợi từ Viện Hàn lâm và từ các học viên cùng tham dự chương trình đến từ các nước khác. Trong buổi học cuối cùng của khoá đào tạo, các học viên đã tham gia cuộc thi trình bày GPST của mình và có 3 học viên đã nhận được giải thưởng cao nhất của cuộc thi. Đó là: anh Lê Thu Quý (Giải ba) với GPST “Phục hồi và nâng cao độ bền bánh xe công tác tuabin cho các nhà máy thuỷ điện vừa và nhỏ”, anh Dương Ngọc Tú (Giải nhì) với GPST “Công nghệ hoá học xanh để chiết xuất, tinh hoạt và kết hợp với công nghệ Nano để bào chế Curcumin”, anh Lê Tấn Hưng (Giải nhất) với GPST “Hai chế phẩm sinh học phòng trị bệnh đốm nâu trên cây thanh long”.
Ngoài ra, các GPST khác cũng đã nhận được nhiều lời tán dương và công nhận vì tiềm năng thương mại hoá và tính phù hợp với thị trường Việt Nam, như: “Quạt gió không cánh với công nghệ nâng cao áp lực gió cùng với giải pháp vật liệu để hạ giá thành sản phẩm” của anh Nguyễn Ngọc Đức; “Sản xuất trên quy mô lớn chế phẩm sinh học bổ sung tạo ra con vật nuôi an toàn, sạch và ngon hơn” của anh Nguyễn Thanh Hải; “Dự án xây dựng, triển khai và thương mại hoá hệ thống quan trắc khí tượng thuỷ văn tự động” của anh Trần Văn Bình;…