Năm học 2018-2019 toàn ngành Giáo dục và Đào tạo tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TƯ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, là năm bản lề chuẩn bị các điều kiện để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Nhân dịp khai giảng năm học mới, phóng viên Báo Hànộimới có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội để cùng điểm lại những dấu ấn, cũng như hiểu rõ hơn về những bước vận hành của ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô trong thời gian tới.
– Năm học 2017-2018, ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu. Ông có thể điểm lại những kết quả nổi bật mà thầy và trò toàn ngành đã gặt hái trong thời gian qua?
– Năm học 2017-2018 vừa qua, ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô tiếp tục phát triển mạnh về quy mô với 2.641 trường học, gần 1,9 triệu học sinh. Được sự quan tâm, đầu tư của thành phố, sự nỗ lực của đội ngũ thầy, cô giáo, học sinh và sự đồng hành, ủng hộ của các bậc phụ huynh, chất lượng giáo dục ở mọi cấp học, ngành học tiếp tục có chuyển biến rõ nét. 30/30 quận, huyện, thị xã đang tích cực triển khai đề án phát triển giáo dục mầm non đến năm 2020, tạo điều kiện để trẻ phát triển toàn diện, làm nền tảng vững chắc cho các bậc học sau. Hơn 90% số trường tiểu học đã tổ chức cho học sinh học 2 buổi/ngày, là cơ sở thuận lợi cho việc triển khai chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới. Chất lượng giáo dục phổ thông tiếp tục được duy trì với tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT đạt 99,38%; tỷ lệ học sinh đăng ký dự thi đại học có tổng điểm 3 môn thi ở các khối thi truyền thống đạt từ 15,0 điểm trở lên chiếm gần 76%.
Năm học vừa qua Hà Nội đã giữ vững vị trí dẫn đầu cả nước về số lượng bài thi THPT quốc gia đạt điểm 10. Trong số 72 trường có tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt 100%, có tới 38 trường THPT ngoài công lập. Hà Nội cũng khẳng định vị trí dẫn đầu, đạt thành tích cao trong các kỳ thi, với 132 giải quốc gia, 160 giải quốc tế.
– Đây cũng là năm học thứ 10 Hà Nội điều chỉnh địa giới hành chính. So với thời điểm năm 2008, ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô đã có sự chuyển dịch như thế nào, thưa ông?
– Sau 10 năm, ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô đã có bước phát triển mạnh cả về quy mô, chất lượng giáo dục, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của nhân dân. Toàn thành phố có thêm 483 trường mầm non, phổ thông; hơn 15.157 nhóm lớp. Số trẻ mầm non và phổ thông tăng hơn 600.000 học sinh. Đặc biệt, toàn thành phố đã có 1.342 trường công lập đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 62,3% và so với năm 2008, số trường công lập đạt chuẩn quốc gia tăng hơn 1.000 trường.
– Nhìn lại chặng đường đã qua, đâu là điều khiến ông còn trăn trở?
– 10 năm qua, số trường và nhóm lớp tại Hà Nội phát triển mạnh, kinh phí đầu tư cho giáo dục cũng không ngừng tăng, song vẫn chưa kịp đáp ứng nhu cầu gửi con của nhân dân, nhất là ở cấp mầm non. Ngoài nguyên nhân do dân số tăng nhanh, còn có một lý do khác. Trước kia, khá nhiều nơi còn phải đi vận động phụ huynh đưa con đến trường mầm non, thì nay nhu cầu gửi con của phụ huynh ngày càng nhiều. Điều này đòi hỏi ngành Giáo dục và Đào tạo phải nỗ lực hơn nữa trong công tác tham mưu, phối hợp để bổ sung thêm trường, lớp.
Bổ sung quy hoạch mạng lưới trường lớp
– Theo ông, mạng lưới trường lớp tại Hà Nội được bổ sung như thế nào trong bối cảnh quy mô học sinh vào các lớp đầu cấp năm học 2018-2019 đều tăng mạnh?
– Để chuẩn bị đón năm học mới, toàn thành phố đã xây mới 74 trường học; trong đó có 31 trường mầm non, 24 trường tiểu học, 15 trường THCS và 4 trường THPT. Ngoài ra, còn có 427 trường học và 2.552 phòng học được cải tạo, đáp ứng tốt nhu cầu học tập của học sinh.
– Dư luận những ngày vừa qua đặc biệt quan tâm, lo lắng trước tình trạng sĩ số học sinh/lớp ở một số trường tại Hà Nội vượt khá xa so với Điều lệ trường học, có nơi lên đến gần 70 học sinh/lớp. Đâu là nguyên nhân và Hà Nội có giải pháp nào để giảm tải ở những nơi quá đông học sinh?
– Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là do di dân cơ học về một số địa bàn tăng nhanh, rồi quan niệm lựa chọn tuổi sinh, năm sinh và cũng xuất phát từ tâm lý chọn trường cho con của một bộ phận phụ huynh. Một trong những giải pháp hữu hiệu đã được Hà Nội triển khai nhiều năm qua là căn cứ vào số lượng học sinh từng năm trên địa bàn và điều kiện đáp ứng của các nhà trường, UBND quận, huyện, thị xã tổ chức phân tuyến tuyển sinh phù hợp, không để xảy ra hiện tượng thiếu chỗ học.
Trước mắt, để bảo đảm chất lượng dạy học, các đơn vị sẽ tăng cường giáo viên cho các lớp có sĩ số cao; tổ chức học luân phiên… Các địa phương cũng tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án cải tạo, mở rộng, xây dựng mới trường lớp, ưu tiên cho những địa bàn đang thiếu trường học và những nơi còn phòng học xuống cấp.
Nếu tính về số lượng, Hà Nội không thiếu trường học, việc quá tải chỉ diễn ra cục bộ tại một số nơi đông dân cư. Để giải quyết căn bản hiện tượng này, Sở Giáo dục và Đào tạo cùng các sở, ngành liên quan đang hoàn thiện, trình UBND thành phố phê duyệt “Điều chỉnh Quy hoạch mạng lưới trường học đến năm 2030”, trong đó xác định rõ về số lượng, lộ trình đầu tư xây dựng trường học ở từng quận, huyện, thị xã…
Sắp tới, ngành Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ nghiên cứu, đề xuất UBND thành phố có quy định các doanh nghiệp, đơn vị khi đầu tư xây dựng các khu đô thị, chung cư phải có trách nhiệm xây dựng trường học. Nếu tại địa bàn không đủ quỹ đất xây dựng trường học, thì phải có nghĩa vụ đóng góp với UBND các quận, huyện, thị xã để các đơn vị chủ động đầu tư xây dựng trường học trên địa bàn.
– Ông có thể cho biết cụ thể hơn về số lượng trường học dự kiến sẽ được xây dựng theo quy hoạch đến năm 2030?
– Theo kế hoạch đến năm 2030, toàn thành phố cải tạo và xây mới 1.557 trường (trong đó có 1.257 trường xây mới), với tổng kinh phí khoảng 74.000 tỷ đồng và được chia làm 3 giai đoạn đầu tư. Từ nay đến năm 2020 là giai đoạn Hà Nội tập trung xây dựng, cải tạo số lượng trường nhiều nhất, với 626 trường (xây mới 418 trường), tổng kinh phí dự kiến 22.900 tỷ đồng; giai đoạn 2021-2025, Hà Nội sẽ cải tạo, xây mới 504 trường (xây mới 445 trường), tổng kinh phí dự kiến 24.800 tỷ đồng; số trường sẽ cải tạo, xây mới trong giai đoạn 2026-2030 là 427 trường (xây mới 412 trường), tổng kinh phí dự kiến 26.300 tỷ đồng.
Đầu tư cho đội ngũ nhà giáo
– Năm học 2018-2019 là năm áp chót trong lộ trình chuẩn bị các điều kiện để áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới. Phần việc nào sẽ được Hà Nội tập trung triển khai, thưa ông?
– Ngoài việc tăng cường đầu tư xây dựng trường lớp, trang thiết bị, ở bất kỳ giai đoạn nào, ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô luôn xác định, đầu tư cho đội ngũ nhà giáo là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Đây cũng là lực lượng chủ lực, đóng vai trò quyết định đến kết quả thực hiện các chủ trương, nhiệm vụ mới của ngành.
Trước yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và chương trình, sách giáo khoa mới, Hà Nội tập trung vào công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, giáo viên và có nhiều điều chỉnh trong cách thức, nội dung bồi dưỡng, bảo đảm 100% số giáo viên được bồi dưỡng về chuyên môn, kỹ năng trước khi đảm nhận chương trình mới. Đây là năm đầu tiên Hà Nội thực hiện Quyết định 2315/QĐ-UBND của UBND thành phố về Đề án nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức, viên chức thành phố giai đoạn 2016-2020. Dự kiến đến năm 2020 sẽ có khoảng 5.000 cán bộ, giáo viên được tham gia các khóa bồi dưỡng do chuyên gia nước ngoài giảng dạy…
– Đạo đức nhà giáo là một nội dung quan trọng trong Chỉ thị của Bộ Giáo dục và Đào tạo về nhiệm vụ năm học 2018-2019. Điều này được triển khai ra sao, thưa ông?
– Trong quá trình bồi dưỡng, chúng tôi tiếp tục chú trọng nội dung giáo dục đạo đức nhà giáo và kỹ năng ứng xử. Ngoài ra, Hà Nội còn đẩy mạnh thực hiện các phong trào, cuộc vận động nhằm khích lệ các nhà giáo nỗ lực để hoàn thiện và làm lan tỏa trong toàn ngành, như: Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo; hỗ trợ giáo dục miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; đổi mới, sáng tạo trong dạy và học; nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo; nhà giáo Hà Nội giúp đỡ học sinh khó khăn…
Cũng trong năm học 2018-2019, Hà Nội sẽ tập trung thực hiện các giải pháp để tinh giản đội ngũ. Việc tổ chức đánh giá, rà soát về chất lượng đội ngũ giáo viên sẽ được triển khai thường xuyên và nghiêm túc, nhằm bảo đảm bố trí giáo viên phù hợp với chuyên môn, năng lực. Hà Nội sẽ nghiêm khắc xử lý và kiên quyết đưa ra khỏi ngành những trường hợp vi phạm quy định pháp luật, vi phạm đạo đức nhà giáo, không để các sai phạm của nhà giáo làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành và gây bức xúc trong nhân dân.
– Trước thềm năm học mới, ông có nhắn nhủ điều gì tới đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô?
– Với những kết quả đã đạt được, tôi tin tưởng rằng đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh toàn ngành sẽ nỗ lực, đoàn kết, phát huy nội lực, tranh thủ sự hỗ trợ ngoại lực để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, quyết tâm dẫn đầu cả nước trong việc thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TƯ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; xây dựng và làm lan tỏa nhiều tấm gương tập thể, cá nhân nhà giáo mẫu mực, học sinh tiêu biểu trong toàn ngành.
– Trân trọng cảm ơn ông!