Thực hiện yêu cầu về nhiệm vụ khoa học công nghệ, nhóm nghiên cứu Chính sách và Phát triển xã hội nông thôn, khoa Lý luận chính trị & Xã hội, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã có buổi tọa đàm chuyên đề với các nhà khoa học: “Quy định về hoạt động thẩm định, giám định công nghệ và cơ chế hỗ trợ trong chuyển giao công nghệ năm 2017” tại Không gian Innovation, nhà G6, Trung tâm Chuyển giao Tri thức và Hỗ trợ khởi nghiệp, Đại học Quốc gia Hà Nội.
.
Các nhà khoa học, đại diện Bộ Khoa học – Công nghệ và các doanh nghiệp trong buổi tọa đàm
Chiều ngày 21/12/2018, nhóm nghiên cứu Chính sách và Phát triển xã hội nông thôn, khoa Lý luận chính trị và Xã hội, Học viện Nông nghiệp Việt Nam do ông Vũ Văn Tuấn, trưởng nhóm đã có buổi tọa đàm chuyên đề với TS. Chử Đức Hoàng thuộc Quỹ đổi mới Công nghệ quốc gia với chủ đề Vai trò của Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia trong Hỗ Trợ và thúc đẩy Chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp, tổ chức khoa học và Công nghệ tại Đại học Quốc gia Hà Nội. Đến dự với buổi thảo luận có sự tham gia của TS. Vương Quốc Thắng – Giám đốc trung tâm hỗ trợ Chuyển giao Khoa học công nghệ của Đại học Quốc gia Hà Nội; Th.S Đỗ Hồng Bách – Trưởng phòng Khoa học định giá Khoa học công nghệ – Bộ Khoa học và công nghệ.
Trong bài trình bày của mình, TS. Chử Đức Hoàng chỉ rõ hoạt động đổi mới công nghệ hiện nay được tập trung với những nội dung như: Đổi mới sản phẩm, quy trình công nghệ, tổ chức sản xuất, dịch vụ kinh doanh và maketting…; vai trò cũng như mục tiêu của đổi mới công nghệ. Đặc biệt trên cơ sở tổng kết thực trạng trình độ công nghệ của Việt Nam, TS. Hoàng đã chỉ ra những giải pháp và nỗ lực của Quỹ đổi mới Công nghệ quốc gia nhằm thúc đẩy, nâng cao hiệu quả, hiệu suất của các dự án, chương trình sáng tạo công nghệ. Trong đó, nhóm nghiên cứu cũng đã tìm thấy những cơ hội mà Quỹ sẽ hỗ trợ cho các trường đại học, các trung tâm nghiên cứu và bản thân các nhà khoa học: đề tài nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng KHCN nông nghiệp ở nông thôn, miền núi; ươm tạo công nghệ, doanh nghiệp KHCN… Các hoạt động nhân rộng, phổ biến, chuyển giao công nghệ; đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cũng được quỹ tài trợ.
Phát biểu trong buổi tọa đàm, ông Vũ Văn Tuấn, đại diện cho nhóm nghiên cứu mạnh thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cũng đã khẳng định những lợi thế của Học viện về nguồn nhân lực trong nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ, những thành công lớn của tập thể các nhà khoa học và giảng viên, sinh viên của Học viện trong nghiên cứu khoa học và Khởi nghiệp. Đồng thời, mong muốn các nhà đầu tư, quỹ Hỗ trợ, Doanh nghiệp nhỏ và vừa quan tâm hơn tới các dự án Khởi nghiệp Nông nghiệp của sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Buổi tọa đàm không chỉ có ý nghĩa lớn đối với nhóm nghiên cứu mà còn hy vọng mở ra những hướng hợp tác mới cho các giảng viên và nhà khoa học, sinh viên của Học viện Nông nghiệp Việt Nam trong quá trình thực hiện tự chủ đại học. Buổi thảo luận diễn ra sôi nổi với nhiều chia sẻ kinh nghiệm và mở ra những cơ hội hợp tác mới cho các nhà khoa học và sinh viên các trường đại học trong xu thế tự chủ với thuận lợi cũng như thách thức của cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư.
Các thành viên nhóm nghiên cứu về Chính sách và Phát triển xã hội nông thôn trao đổi với các chuyên gia