Lâm Đồng: U50 thu 30 triệu/tháng nhờ trồng ớt chuông trái đỏ như son 06/02/2019

Nhờ trồng 3.000m2 ớt chuông công nghệ cao mà gia đình ông Chử Văn Thành (50 tuổi, thị trấn Nam Ban, Lâm Hà, Lâm Đồng) có thu nhập trên 30 triệu đồng/tháng, cao hơn nhiều so với việc canh tác cà phê trước đó.

Ông Thành giới thiệu những quả ớt chuông to, bóng đẹp trong vườn của mình.

Những tháng cuối năm là thời gian mà giá các loại nông sản bắt đầu tăng lên và người dân tại Lâm Đồng đang rộn ràng thu hoạch những mẻ hàng cuối để kịp cung cấp cho thương lái.

Gặp ông Thành trong một lần công tác tại huyện Lâm Hà, PV được giới thiệu về lão nông, người đi tiên phong trong việc chuyển đổi cây trồng và đưa vào nhà kính canh tác. Đến nay khi vườn ớt của gia đình ông đã chín rộ, ông Thành dẫn PV đi tham quan khu vườn rộng 3.000m2 của mình

Vừa đi trong vườn ớt chín, mùi hăng của ớt phảng phất bay vào mũi ông Thành kể chuyện mình chuyển đổi từ cà phê sang trồng ớt.

Năm 2009, nhận thấy năng suất cà phê thấp, giá bấp bênh mà diện tích của gia đình lại được ít nên ông Thành đã bàn bạc với vợ chuyển qua trồng ớt. Được vợ nhất trí cao nên gia đình ông đã vay ngân hàng và được sự giúp đỡ của hội nông dân địa phương làm 3.000m2 nhà kính.

 

“Ngày đó, những hộ trồng cà phê cứ 1.000m2 chỉ vay ngân hàng được khoảng 10 triệu thôi, nhưng khi tôi chuyển đổi cây trồng thì được vay lên đến 50 triệu đồng. Khi đó tôi lại được Hội nông dân hỗ trợ 60 triệu đồng để sản xuất, chính vì vậy tôi đã xây dựng nhà kính với giá 150 triệu đồng/3.000m2 đất của gia đình”, ông Thành chia sẻ.

Ông Thành là người tiên phong chuyển đổi giống cây trồng và cả công nghệ trong sản xuất nông nghiệp tại huyện Lâm Hà. Ảnh: Văn Long.

Không chỉ tiên phong trong chuyển đổi giống cây trồng mà ông Thành còn là người tiên phong sử dụng công nghệ trong sản xuất. Hiện tại, khu vườn của ông đã được lắp đặt hệ thống hẹn giờ tưới nhỏ giọt giúp tiết kiệm chi phí, công lao động và đặc biệt giúp ông làm nông rất “nhàn”.

 

Toàn bộ ớt trong vườn được ông Thành trồng trong giá thể xở dừa trộn trấu hun. Ảnh: Văn Long.

“Ban đầu tôi cũng chỉ làm thủ công thôi, nhưng khi đến tận nơi các nhà vườn tại Đà Lạt, Đơn Dương sản xuất thì tôi thực sự đam mê. Rồi tôi lân la hỏi họ về công nghệ tưới nhỏ giọt có hẹn giờ, sau đó đi mua các thiết bị cần thiết về tự tay lắp ráp. Hiện tại, hệ thống tưới trong vườn của tôi là của Israel, còn bộ hẹn giờ là của Ấn Độ nên có tuổi thọ cao và chính xác”, ông Thành tự tin giới thiệu.

 

Mỗi tháng lãi trên 30 triệu

 

Ông Thành tự tin cho rằng: “Nếu giá cứ ổn định như hiện nay mà không sụt giảm, người dân trồng ớt còn lời lớn. Có khi giá các thương lái mua lên đến trên 40 ngàn/kg. Vì vậy, tôi vẫn đang chăm sóc thật tốt cho vườn của mình để làm sao đẩy được năng suất của vườn lên”.

Ông Thành đang cố gắng chăm sóc để vườn của mình tăng thêm năng suất. Ảnh: Văn Long.

Hiện tại, 3.000m2 nhà kính trồng ớt trong giá thể của ông Thanh cho năng suất từ 4 – 4,8 tấn/tháng. Với giá hiện tại khoảng 20 ngàn/kg, sau khi trừ chi phí ông Thành vẫn lãi trên 30 triệu đồng.

Đặc biệt, ông Thành không bán sản phẩm cho các công ty, doanh nghiệp mà chỉ bán tự do cho thương lái. Theo ông Thành, làm việc với các đơn vị như vậy thì chuyện tiền bạc và giá cả người nông dân phải chịu thiệt. “Tôi chỉ bán cho thương lái, có hàng gọi họ đến cân được bao nhiêu nhân với giá tiền là thanh toán luôn, sòng phẳng”, ông Thành nói.

Ớt được thu hoạch và tập kết tại sân nhà ông Thành để thương lái đến mua. Ảnh: Văn Long.

Do địa hình không được bằng phẳng nên ông Thành đã chia khu vườn của mình thành ba ô với 3 bậc tam cấp lớn. Khi tưới ông cũng đã cài đặt hệ thống tưới lần lượt 3 ô vườn, mỗi lần tưới khoảng 7 phút, mỗi ngày 5 – 7 lần tùy thuộc vào điều kiện thời tiết.

Nói về việc kỹ thuật thì ông Thành tự tin cho rằng khu vườn của mình có thể kiểm soát được dịch bệnh đến 80 – 90%. Lý giải điều này, bởi theo ông Thành toàn bộ được đặt trong một mô hình khép kín, các chậu cây được cách ly hoàn toàn với đất nên không có điều kiện để mầm bệnh xâm nhập. Những cây ớt được trồng trong chậu với giá thể xơ dừa trộn với trấu hun nên rất đảm bảo. Chủ yếu cây ớt bị mắc các bệnh như phấn trắng và nấm, tuy nhiên hai căn bệnh này hoàn toàn có thể xử lý được bằng các loại thuốc BVTV sinh học trên thị trường.

Ông Thành kiểm tra những quả ớt non bị tật xem có loại côn trùng nào xâm nhập để xử lý. Ảnh: Văn Long.

“Trong một năm, vòng đời của một cây ớt chuông sẽ có khoảng 9 tháng, từ khi xuống giống và phát triển cho đến khi thu hoạch khoảng 3 tháng. Còn lại khoảng 6 tháng cho thu hoạch liên tục. Thời gian còn lại, để tăng thêm thu nhập tôi trồng tiếp tục dưa lưới. Với mỗi sào dưa lưới gia đình tôi có thêm 150 triệu sau 3 tháng trồng và thu hoạch”, ông Thành tự hào nói.

Ông Thành cho biết ông thu hoạch ớt 4 lần /tháng và bán tự do cho thương lái. Ảnh: Văn Long.

Như vậy, với một diện tích chỉ 3.000m2, mỗi năm ông Thành thu trên 500 triệu đồng nếu giá cả không biến động nhiều.

 

Nguồn: Danviet

Tag :