Ảnh minh họa: Bích Liên

Ngày 1/12, tại Hà Nội, Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live and Learn) phối hợp với Trường Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU – UET), Mạng lưới Không khí Sạch Việt Nam (VCAP) và Tạp chí Tia Sáng (Bộ Khoa học và Công nghệ ) tổ chức Hội thảo trực tuyến về hiện trạng bụi mịn PM2.5 ở Việt Nam giai đoạn 2019-2020 và ứng dụng dữ liệu vệ tinh trong giám sát ô nhiễm.

Phát biểu tại hội thảo, Giáo sư, Tiến sỹ Chử Đức Trình, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, trong những năm qua, hiện trạng bụi mịn PM2.5 ở Việt Nam được nghiên cứu và công bố trong các báo cáo và tạp chí khoa học bởi cơ quan quản lý nhà nước, các trường, viện và các nhà khoa học cũng như một số tổ chức xã hội.

Tuy nhiên, các báo cáo và nghiên cứu này còn hạn chế về nguồn dữ liệu, do thiếu số liệu quan trắc và chưa khai thác các nguồn dữ liệu mở (như vệ tinh) hay từ các trạm cảm biến. Trong bối cảnh đó, báo cáo “Hiện trạng bụi mịn PM2.5 ở Việt Nam giai đoạn 2019-2020 sử dụng dữ liệu đa nguồn” được công bố, đưa ra một bức tranh đầy đủ hơn về ô nhiễm không khí cả về không gian và thời gian.

Đây là báo cáo đầu tiên cung cấp thông tin hiện trạng bụi mịn PM2.5 không chỉ tại Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh mà còn tại 63 tỉnh, thành phố, với dữ liệu được tổng hợp và phân tích từ trạm quan trắc tiêu chuẩn, thiết bị cảm biến tới dữ liệu vệ tinh.

Đánh giá về hiện trạng bụi mịn PM2.5 tại Việt Nam giai đoạn 2019-2020 từ dữ liệu đa nguồn, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Nhật Thanh, Trường Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, chất lượng không khí toàn quốc năm 2020 có phần cải thiện hơn so với năm 2019. Tuy nhiên nhiều vùng và địa phương vẫn chịu ô nhiễm bụi mịn PM2.5 (nghĩa là có nồng độ bụi mịn PM2.5 trung bình năm cao hơn Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng không khí xung quanh (05:2013/BTNMT).

TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam cho rằng, 40% tỉnh thành miền Bắc có chỉ số ô nhiễm không khí vượt chuẩn là áp lực đối với các nhà hoạch định chính sách. Ông Tùng cho rằng, mỗi địa phương cần có chính sách cụ thể, giải pháp tập trung vào nguyên nhân phát sinh ô nhiễm.

Theo ông Tùng, Việt Nam chuẩn bị thực hiện kiểm kê khí thải, nhận diện nguồn thải để có các giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng hiện nay.

Tại hội thảo, các chuyên gia đã thảo luận và đưa ra một số  khuyến nghị cụ thể như: Ứng dụng tiếp cận đa nguồn và dữ liệu mô hình tính toán từ ảnh vệ tinh trong giám sát chất lượng không khí; xây dựng bản đồ phân bố bụi mịn PM2.5 chi tiết tới từng quận, huyện, thị xã tại các tỉnh, thành phố có ô nhiễm bụi mịn PM2.5; tăng cường mạng lưới trạm quan trắc chất lượng không khí tiêu chuẩn của Nhà nước trên phạm vi toàn quốc, ưu tiên cho các tỉnh, thành phố có ô nhiễm không khí…./.

BL