Mặc dù lễ hội chính thức thờ ông tổ của Đạo Thờ Tiên (Chử Đạo Tổ) phải đến trung tuần tháng hai âm lịch mới được mở tại đền thờ Ngài ở làng Dạ Trạch, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên nhưng ngay từ giữa tháng Giêng, một lễ hội khác nhằm tri ân người được tôn vinh là một trong bốn vị “Tứ bất tử” trong tín ngưỡng của người Việt đã được khai hội. Lễ hội truyền thống “Đức Thánh Chử” làng Chử Xá, xã Văn Đức, huyện Gia Lâm, Hà Nội.
Làng Chử Xá, còn gọi là làng Chử Gia, có tên nôm từ thuở xa xưa gọi là làng Sứa. Cái tên “Sứa” nghe là lạ nhưng bù lại nó lại được mọi người nhớ tới bởi như chính tên gọi đã gợi thấy đây là một làng Việt cổ. Nằm bên bờ tả sông Hồng, chỉ cách trung tâm Hà Nội chừng 20km về phía Nam (hạ nguồn) và cách làng gốm Bát Tràng độ 5 cây số.
Sau tết ta, nghĩa là khi những hạt mưa bụi tháng Giêng bay lây rây làm mịt mờ mặt nước sông Hồng cũng là khi đồng đất bãi ven sông Hồng này nảy xanh rờn mầm mới. Đứng trên bờ đê nhìn xa vời đồng bãi, lòng bỗng thấy rộn ràng bởi đâu đây tiếng trống hội làng đập như thúc vào tâm trí người dân quanh năm tảo tần vất vả kiếm kế sinh nhai. Năm nay làng Chử Xá lại mở hội, tiếng trống mời tới hội vang thậm thình ngoài đình làng, tiếng trống mời đi hội vang rợn sóng ngoài mặt sông Hồng, tiếng trống rủ rê cứ rậm rình mà lan xa lan xa, lan tới những làng những xã bên cạnh.
Điều lý thú là lễ hội làng Chử Xá lại diễn ra ở hai địa điểm, một là tại đình làng và một là tại lăng thờ thân phụ và thân mẫu của Chử Đồng Tử. Hai địa điểm cho cùng một lễ hội tuy chỉ ở mức độ một làng nhưng đã cho thấy người dân Chử Xá nói riêng và người dân Việt nói chung rất tôn trọng đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tuy hội mở ra để tri ân và tôn thờ Chử Đồng Tử là một vị thánh nhưng lòng người dân không bao giờ quên công đức sinh thành của thân phụ và thân mẫu của Ngài. Nét đạo lý thật đáng trân quý.
Trong lễ hội, sau khi những thủ tục hành lễ như rước kiệu, khấn bái xong xuôi thì đến phần hội. Hội làng Chử Xá có nhiều cuộc vui, ở đây diễn ra nhiều trò vui truyền thống như thi làm bánh giày giữa bảy giáp trong làng, thi đánh gậy. v.v… Hội làng cũng diễn ra nhiều màn múa với các điệu múa cổ nhưng hình như điệu múa Lễ Chữ mới chính là điệu múa đáng được chờ đợi nhất bởi đó mới chính là điểm nhấn của hội làng hàng năm.
Điệu múa Lễ Chữ, còn gọi là múa Chạy Chữ hoặc múa Chữ. Theo như giải thích của các bậc cao niên trong làng thì múa Lễ Chữ là thể hiện ước vọng, cầu mong của cư dân nông nghiệp vạn sự được yên bình, thân ái, ấm no, thịnh vượng và hạnh phúc. Cách giải thích không xa lạ với nội dung chung của các lễ hội hiện có nhưng liệu nó có mối liên hệ nào giữa Vị Thánh Chử Đồng Tử, người được coi là biểu trưng của, tình yêu, hôn nhân và sung túc ấm no, với những con chữ được xuất hiện trong lễ hội.
Cả sân đình chợt im phắc chờ đợi. Từng tiếng trống vang lên chắc nịch, khoảng sân đình ngày thường vốn thâm trầm là thế bỗng trở lên rộn ràng nhưng vẫn đầy nghiêm cẩn. Từng tiếng trống chắc nịch lại vang lên. Tiếng trống chính là hiệu lệnh để 22 “con chữ”, tức 22 chàng thiếu niên khỏe mạnh, ăn vận theo lối truyền thống, áo cánh dài màu đỏ viền vàng, đầu chít khăn điều, tay cầm bảng chữ sẵn đã được viết sẵn từng chữ, khoan thai “chạy chữ”, họ lướt rất nhanh và trật tự sắp thành hàng tề chỉnh. Tất cả sự chuyển động của 22 trai làng làm chân “con chữ” này nhất nhất đều theo sự điều khiển của người đánh trống.
Ngược dòng thời gian, chúng ta cùng tìm hiểu căn cớ nào mà điệu múa cổ với màn múa xếp hình chữ với bốn chữ “Thiên – Hạ – Thái – Bình” lại được thể hiện trong một lễ hội truyền thống có tính dân gian gắn với huyền tích về vị thánh trong “Tứ bất tử”. Ý nghĩa cao cả nào cho điệu múa này khi mà tín ngưỡng người Việt vốn coi Thánh Chử Đồng Tử là vị thánh đại diện cho tình yêu, hôn nhân và sung túc.
Ở đây có cảm tưởng dường như không có mối liên quan nào? Nhưng rõ ràng không phải thế. Câu chuyện nhân duyên giữa chàng trai họ Chử nghèo rách với cô công chúa cao sang chỉ như là cái cớ ban đầu. Cái cớ để hai con người mà sau này được người dân ngưỡng vọng vốn xuất phát nhân thân khác nhau. Khác nhau về gia cảnh mà lại đến với nhau, gắn kết với nhau cùng làm nên điều trân quý.
Thì ra, dân gian luôn đơn giản hóa vấn đề, kể cả vấn đề hôn nhân giữa hai con người cách nhau khá xa về thân phận. Dân gian một khi không giải thích được hay nói cách khác là không muốn giải thích về điều không tưởng đã xảy ra nên “đành truyền thuyết hóa” vấn đề.
Rõ ràng là sau khi Chử Đồng Tử và công chúa Tiên Dung hợp hôn, hai người đã là một “cặp đôi vô cùng ăn ý”. Họ cho dù bị vua cha “cấm cửa” nhưng bằng tài trí và nghị lực của mình đã xây dựng thành công cuộc sống riêng. Chẳng những thế mà họ còn xây dựng nên một “mô hình kinh tế” đáng nể trọng. Chử Đồng Tử được dân gian xem trọng chính là ở vai trò này. Vai trò của một người “kinh bang tế thế” mẫu mực.
Tư tưởng an lành đã thực sự đóng vai trò chủ đạo cho công việc làm ăn. Người dân sống trong khu vực mà Chử Đồng Tử cùng công chúa Tiên Dung cai quản đã có cơ hội được yên ổn, được sung túc. Có lẽ xuất phát từ chính cuộc sống riêng của mình và xuất phát từ chính cuộc sống của dân gian mà Đức Thánh Chử đã đề cao tư tưởng “Thiên hạ thái bình”.
Phải chăng tư tưởng coi dân là gốc của Chử Đồng Tử mới chính là ý nghĩa cao cả để dân gian tôn vinh ngài là Thánh bất tử. Phải chăng tư tưởng lấy sự thái bình cho mọi người dân mới chính là ý nghĩa cao cả để dân gian đề cao tài đức của Ngài. Và phải chăng ý nghĩa của tư tưởng chỉ đạo: Muốn dân giàu nước mạnh thì đất nước phải thái bình. Tư tưởng ấy đã hơn một lần được đề cao mà câu thơ “Thái bình tu nỗ lực/ Non nước ấy ngàn thu” của Thượng tướng, thái sư Trần Quang Khải chính là điều minh chứng cho tư tưởng ấy.
Người đời sau còn lưu truyền: Mỗi khi có họa giặc giã thì Đức Thánh Chử lại hiển linh về che chở muôn dân.
Nguyễn Trọng Văn