Chuyện về thứ phi của đức Thánh Chử Đồng Tử 24/01/2010

Nhắc đến thiên tình sử Chử Đồng Tử, nhiều người chỉ biết đến người vợ cả là đức Thánh tả Hoàng hậu Tiên Dung công chúa, mà ít không biết người thứ phi – đức Thánh hữu Hồng Vân công chúa.

Trong hậu cung của khu di tích thờ thánh Chử Đồng Tử tại Đa Hòa, xã Bình Minh và đền Hóa, xã Dạ Trạch thuộc huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, ngoài tượng thờ của đức thánh Chử Đồng Tử, hoàng hậu Tiên Dung công chúa, còn có tượng của người thứ phi Hồng Vân công chúa được thờ trang trọng bên hữu (bên phải).

Theo tài liệu mà cụ Nguyễn Văn Để, thủ từ đền Hóa (tương truyền là nơi đức thánh Chử và vợ hóa về trời), cung cấp, được dịch ra từ bản khắc phả chữ Nho bằng gỗ thị từ thế kỷ 19 của Nguyễn Hiền dưới thời Lê (được sao từ thần tích gốc của Nguyễn Bính soạn từ năm 1572) và bản sao của Ngô Chân Nguyễn Tử năm 1899, Hồng Vân công chúa tên thường gọi là Tây Nương, hay Tây Sa (có tài liệu gọi là nàng Nguyễn). Bà sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, đức độ, hiền lành tại làng Đông Miên, huyện Chu Diên (tức thôn Đông Kim, xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên hiện nay).

Tương truyền rằng, một đêm nọ nằm mộng, mẹ bà thấy một con chim xanh lớn bay vào màn, rồi hóa thành người con gái. Tiếp đó, một bà già xuất hiện ngoài màn, tự xưng là “Tây cung vương mẫu, từ thiên đình giáng xuống, đem người con xuống gửi nhà người cõi trần trong 3 kỷ (36 năm)”. Từ đó bà thụ thai, đến ngày mùng 10/2 âm lịch năm sau hạ sinh người con gái, nhân đó đặt tên là Tây Nương. Tây Nương lớn lên có sắc đẹp lạ thường như trong thần phả đã ghi “chim xa, cá lăn, hoa tủi, trăng hờn”.

Về chuyện tình duyên giữa Hồng Vân công chúa và đức thánh Chử Đồng Tử được ghi lại như sau: “Trong một chuyến đi chữa bệnh cho người dân quanh vùng, đức thánh Chử và công chúa Tiến Dung bất ngờ gặp Tây Nương đang cắt lúa bên đường. Chử Đồng Tử và Tiên Dung đã tới hỏi chuyện. Thấy người có sắc đẹp lạ thường, hiền lành mà đối đáp rất trôi chảy, hai người tỏ ra rất mến phục và kết nghĩa chị em”. Trong bản phả còn ghi lại một đoạn cuộc trò chuyện giữa công chúa Tiên Dung và Tây Nương. Tiên Dung đã gọi ý với người: “Nàng là tiên chăng hay là thần gió, thần hoa đây ?”. Tây Nương đáp : “Chẳng qua ta chỉ náu mình thôi, chính ta là Tây Nữ Tiên Cung, ta mới nhìn đã biết vợ chồng chị đã tu đắc đạo thành tiên cả rồi. Nay không hẹn mà gặp nhau tại đây, chẳng biết là duyên trời định hay tình người nhỉ ?”. Sau cuộc trò chuyện “tâm đầu ý hợp” của ba người, Tây Nương đã kết duyên trăm năm cùng Chử Đồng Tử.

Cũng năm đó, vua Hùng Duệ Vương, cha của công chúa Tiên Dung bị ốm nặng, không ngự y nào chữa khỏi được. Biết Tây Nương giỏi về chữa bệnh bằng Đông y, Tiên Dung đã nhờ người đóng giả làm bà lang vào cung chữa cho vua cha. Sau khi Hùng Duệ Vương khỏi bệnh, định mang vàng bạc, châu báu ra tạ ơn, nhưng người không nhận mà trở về chung sống với Chử Đồng Tử – Tiên Dung, tiếp tục chữa bệnh cứu người dân nghèo quanh vùng.

Sau sự kiện đêm ngày 17/11 Tam vị đồng thăng, Duệ Vương đã sa giá về tận nơi để xem xét (khu vực đền Hóa hiện nay). Khi sa giá đến nơi, nhà vua nhìn lên trời thấy có người con gái cưỡi hạc trắng từ phương Tây bay đến, đứng giữ khu trấm (khu vực Trầm (đầm) Nhất dạ), tự xưng là “Tây cung vương nữ, vâng mệnh Chử Đồng Tử – Tiên Dung, đến tạ phụ vương và xin thứ cho tội ‘Phi Tử’ của các con”. Duệ Vương nhận ra đây chính là người chữa khỏi bệnh cho mình trước đây. Nhà vua vô cùng hối hận và xúc động. Duệ Vương đã đặt tên và phong sắc cho Tây Nương là “ Nội trạch Tây cung Tiên nữ – Hồng Vân công chúa”. Để tỏ lòng nhớ ơn công ơn của ba vị dân làng trong vùng và nhiều nơi khác đã lập đền thờ để thờ ba vị.

Hiện, theo thống kê, rất nhiều làng thuộc các tỉnh nằm ở hạ lưu châu thổ sông Hồng như Hưng Yên, Hà Nội, Hà Nam đều có thờ đức thánh Chử Đồng Tử – Tiên Dung và Hồng Vân công chúa. Nhưng ở Hưng Yên là có nhiều đền nhất với 45 làng cùng thờ. Hằng năm vào ngày 10, 12/2 âm lịch, lễ hội Chử Đồng Tử lại được diễn ra tại các đền Đa Hòa (xã Dạ Trach) và đền thờ Hồng Vân công chúa (xã Đông Tảo, Khoái Châu) để tỏ lòng ghi nhớ công ơn của Tam vị với dân làng quanh vùng, đồng thời cũng để tô đậm thêm thiên tình sử muôn đời của Tam vị đức thánh Chử Đồng Tử – Tiên Dung và Hồng Vân.

Theo www.baodatviet.vn

Tag :