Chử Văn Long – GỬI 2 ANH PHẠM KHANG VÀ NGUYỄN QUÝ MẬU 25/03/2017

Tình cờ tôi đọc bài viết của tác giả Vũ Thị Hương Mai trên trang blog Thạch Đà về cuộc “chuyện trò” của anh Phạm Khang với anh Nguyễn Quý Mậu về bình bán thơ trên mạng đã kéo cả tên tôi vào mục đích chê bài thơ Bạn Quan của Đặng Xuân Xuyến là “Bài thơ toàn ý của người xưa. Thời thơ mới. Cũ lắm. Nhạt lắm. Cảnh ấy đâu sống động ở thời @ Quý ơi.”.

Chê khen bài thơ đã đưa lên mạng tùy quyền từng người nhưng giá anh Phạm Khang phân tích, dẫn luận cho người khác thấy được đâu là ý của người xưa, đâu là cũ, là nhạt… còn đưa ra những nhận định chẳng ai rõ ý như thế là ác tâm, nói lấy được. Tôi định bỏ qua, bởi gần sấp sỉ năm mươi năm cầm bút làm thơ, tôi đã chứng kiến bao nhiêu người từng đã hùng biện, đánh giá nhận xét, cho mình được nhân danh để kết tội văn này bồi bút, văn kia phản động, cuối cùng hay dở, đúng sai không thuộc về ai lớn tiếng, to lời(Mời xem: /vai-loi-voi-ong-nha-tho-pham-khang-tac.html). Bài thơ thì của Đặng Xuân Xuyến, cách cảm nhận thì của mỗi người đọc, dù tôi có cái thẻ nhà văn mấy chục năm có lẻ nó vẫn không thể đảm bảo cho thơ tôi tồn tại, nếu thơ tôi không sống được cùng bạn đọc hôm nay hoặc mai sau, huống hồ tôi khen hoặc chê thơ Đặng Xuân Xuyến hoặc thơ người khác. “Yêu nhau cau sáu bổ ba / Ghét nhau cau sáu bổ ra làm mười”, vì thơ không phải là cau, nên thơ hay hay dở nó mãi chỉ nguyên có giá trị là vậy, làm gì anh Phạm Khang, hôm nay tôi mới biết tên, đã biết gì về tôi mà dám hạ những lời như đinh đóng cột: “Chử Văn Long là chúa nịnh Quý ạ! Đừng cả tin.” Một nhà thơ gần 50 năm cầm bút tôi chưa được nghe ai nói lời này. Vậy Phạm Khang lấy gì để tự tin mình có quyền làm vậy? Vì lẽ này, tôi gọi điện cho Đặng Xuân Xuyến để tìm hiểu về 2 anh, thì ra Phạm Khang còn trẻ, làm việc ở Nhà xuất bản Thanh Hóa, nơi mà trước kia Đặng Xuân Xuyến hay vào làm việc với sếp của Phạm Khang. Chuyện không ưa nhau trong công việc là lẽ thường, hà cớ gì lại lên mạng, cố tình nói những lời ác tâm để hạ nhục nhau như thế. Thuở ấy tôi in thơ cũng nhờ Đặng Xuân Xuyến bán và anh bao giờ cũng lấy phần trăm cao hơn hẳn nơi khác. Anh nói phải chi phí cho hoạt động kinh doanh như: thuế, lương nhân viên, cắt phần trăm cho khách,… nên “chuyện nào ra chuyện nấy, quý chú nhưng cháu không thể bù lỗ việc bán sách giúp chú được.”. Và anh bao giờ cũng bán được nhiều gấp mấy lần nơi khác nên tuy có hơi buồn nhưng vẫn thích nhờ Xuyến bán. Giờ chơi thơ cùng nhau, mỗi lần nhớ chuyện cũ chỉ thấy vui vui: Rằng cái anh chàng sống bằng lợi nhuận ngang ngửa được với phát hành sách quốc doanh, bây giờ lại phải tập dần coi thường cái túi tiền vẫn reo vui xủng xoảng để mua lấy những cơn buồn không biết do đâu và cũng không thể dùng tiền mua được.

Tôi bình bài thơ Bạn Quan (mời xem: /oc-bai-tho-ban-quan-cua-ang-xuan-xuyen.html) vì vô tình đọc bài thơ Bạn Quan của Đặng Xuân Xuyến trên báo mạng, điện cho Xuyến, thật lòng khen bài thơ hay. Xuyến cười bảo tôi: Chú thấy hay thì chú viết tặngBạn Quan vài dòng đi. Quen biết Xuyến đã hơn 19 năm, trà dư tửu hậu cùng nhau cũng nhiều, biết Xuyến không thích người khác khen xã giao, khen không đúng nên khi bình thơ Xuyến tôi đã kiệm lời. Vì thế mà nhà thơ Nguyễn Đăng Hành mới phàn nàn tôi mượn chuyện bình thơ để nói chuyện xã hội mà không bình hết cái hay của bài thơ Bạn Quan. Vậy anh Phạm Khang hãy chỉ rõ bài thơ Bạn Quanđã mượn ý người xưa và cũ, nhạt thế nào? Tôi nịnh Đặng Xuân Xuyến ở điểm nào để bạn đọc cùng nghe.

Nếu đoạn trích trong bài của chị Vũ Thị Hương Mai:
Hình như đã có một cái vong của một nhà thơ từ kiếp trước không thành danh nhập vào Phạm Khang khiến anh ăn không ngon, ngủ không yên vì thơ, một ngày mà không có ai để chia sẻ thơ thì máu đọng tím bầm trong cổ họng. Nhiều khi đọc thơ cho kẻ ngoại đạo nghe thì bị nó gọi là ông hâm. Thế mới khổ!
Chính cái vong thơ ấy đã thôi thúc Phạm Khang nghĩ ra “trăm mưu nghìn kế” cách tân thơ của chính mình, những câu thơ thoát xác, lìa hồn bây vút lên không trung rồi rơi tõm xuống, đọng lại thành một chất hữu cơ cho một nhành hoa đỏ thắm nở bung ra. Một quy trình của tạo hóa khiến dù Phạm Khang có biến thành Tôn Ngộ Không thì vẫn cứ không thoát khỏi cội nguồn, gốc gác, đó là hiệp sĩ “nhà quê” cầm long đao bằng cành trúc đi dép mo, lướt trên bờ ruộng giao chiến với con nghé con còn mùi sữa mẹ. Con nghé đứng nghếch mõm lên trời cao, ỉa một bãi cứt non đầu đời bốc khói. Không còn bất cứ sức mạnh nào hơn cứt được nữa, con nghé đã thắng, và trở thành bạn của nhà thơ vì nó cảm nhận được nhà thơ là đồng loại”.
 cho là những nét điển hình mà Lê Tự phác họa chân dung của Phạm Khang thì tôi xin được nhìn từ xa “Kính nhi viễn chi”. Bởi Trời sinh mỗi người một tính, thuở tôi đến với thơ đời trong trẻo lắm. Nên giờ có thể phải sống giữa khói bụi, sự ô nhiễm trùm phủ đó đây, tôi vẫn không thôi những mơ ước trong lành… Làm thơ, đàm đạo thơ là đi tìm nét tri âm đồng điệu, khác với cuộc sống ngoài kia là thắng thua, giành giật… Tài năng đến đâu cũng không dễ định đoạt dở hay giữa lúc ngôi đền thiêng thi ca không còn nữa thánh thần, huống chi là người mà gần 50 năm làm thơ, hôm nay đọc bài của chị Vũ Thị Hương Mai tôi mới biết anh Phạm Khang cũng làm thơ. Liệu nhà thơ trên mạng Phạm Khang có cảm giác này, ta chưa gặp nhau bao giờ, chả có gì liên quan là vậy, đã nói về nhau bằng những lời nói để người được nghe không vui thì làm thơ để làm gì giữa cuộc sống “thơ rẻ hơn bèo” ở chính qua cách sinh hoạt bình bán của chúng ta đã góp phần hạ giá thơ mà nhiều khi chính ta không để ý. Nói điều này, từ quan niệm một đời làm thơ của mình, tôi không dám nghĩ đem kinh nghiệm mình làm mẫu mực. Và tôi chỉ tâm niệm hãy làm những câu thơ theo nỗi thao thức của lòng, đến tay ai người định liệu chê khen đều được. Đến cả cái tên cha mẹ đặt cho là Chử Văn Long, dòng họ của Chử Đồng Tử nghèo nhất nước Việt Nam tôi vẫn để nguyên dưới mỗi bài thơ gửi đi, như sự tri ân công đức sinh thành của cha mẹ.
Để kết thúc chút tâm sự, giấy ngắn tình dài. Tôi xin gửi tới 2 anh Phạm Khang và Nguyễn Quý Mậu bài thơ tôi viết gần đây như một tâm sự bằng thơ cùng nhau không mong gì khen chê ở 2 anh. Giữa ngàn vạn người làm thơ hiện nay, bài thơ của tôi chỉ như hạt muối thả bể, không mong mặn hơn nhưng không bao giờ làm cuộc sống nhạt đi.
 
                      NGHĨ VỀ ĐẤT NƯỚC BUỒN VUI
.
Mỗi khi nghĩ về đất nước, buồn, vui…
Anh cứ thấy như mình đang mắc lỗi
Trước trang giấy anh chưa từng gian dối
Chưa từng tụng ca những xu nịnh thấp hèn
Nhưng đã ngây thơ đem đặt niềm tin
Vào những thứ ngây thơ cùng gian dối
Thời gian trôi qua, đắng cay thêm tuổi
Mới nhận ra sự sống đã muôn đời
Hết giặc giã thương đau lại kẻ khóc, người cười
Bao khát vọng công bằng từng đổ vỡ
Bao mơ ước tương lai thành nhăng nhố
Chỉ tình người còn lại giữa bon chen
Phải có ánh mắt thật trong, tấm lòng rộng mở 
Biết tha thứ lỗi lầm, biết nhìn ra thật giả
Mác rượu quý nhiều khi đóng chai nước lã
Kẻ rao giảng tình người lại thành lũ bất nhân
Biết tin vào đâu, kể cả thánh thần
Thường lấp bóng cho tà ma, quỉ ám,
Chỉ còn những câu thơ an ủi anh
Thơ đã thành trò chơi mua bán
Không chia xẻ cùng ai, không đau xót vì ai
Thà xé phăng đi cho chó gặm, rác vùi
Thơ như nắm xương khô
Thơ nhờ nhờ xác ướp
Nói như vậy các nhà thơ sẽ nhìn anh căm ghét
Còn hơn lời khen cách tân, đổi mới không hồn
Câu chữ tối mù, ngôn từ vặn vẹo
Trong khi ngoài kia những cánh đồng khô héo
Những dòng sông cạn kiệt từ lâu
Biển đang chết như một niềm oan khuất
Rừng tan hoang treo tai họa trên đầu…
Anh đứng ở chỗ nào mà nhân danh Tổ quốc
Nhân danh nhân dân vĩ đại với anh hùng
Nhìn đoàn người lìa quê xa xứ
Đi gồng thuê gánh mướn khắp Tây, Đông
Ai không thấy bùi ngùi thao thiết
Kiếp gánh mướn làm thuê mà là chủ núi sông?
.
Có lẽ anh đã trách nhầm thơ
Khi lắng lại lòng mình bao cảnh đời tan nát:
Con từ bỏ mẹ cha, chồng vợ dối gian nhau,
Anh em chia lìa, bạn bầu lừa gạt…
Kẻ quyền bính thì lừa dân hại nước
Cuộc sống trong lành thơ mộng có còn đâu!
*.
Hà Nội, ngày 25 tháng 03 năm 2017
Nhà thơ CHỬ VĂN LONG
theo http://quanvan.net

Tag :