Lưu giữ nhiều cổ vật quý nên đền chính Đa Hòa (huyện Khoái Châu, Hưng Yên) bị những kẻ trộm cắp nhòm ngó. Nhiều vụ đột nhập đánh cắp cổ vật đã xảy ra ở ngôi đền ven sông Hồng này. Cổ vật bị đánh cắp không còn là chuyện hiếm ở nước ta trong thời gian qua. Ít ai biết rằng, vật báu bị biến mất không chỉ bởi bọn trộm cắp mà còn xuất phát từ nhiều lý do khác nhau. Trong khuôn khổ loạt bài về cổ vật này, chúng tôi mang đến cho bạn đọc những câu chuyện cổ vật mất tích đầy lạ lùng, ly kỳ, nhưng đặc biệt hơn nó đều được trở về chốn cũ.
Theo văn bia dựng ở ngay lối vào đền chính Đa Hòa (xã Bình Minh, huyện Khoái Châu, Hưng Yên), năm 1894, Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh đã khởi xướng tu sửa lại đền trên nền ngôi đền cũ thành một quần thể kiến trúc độc đáo, hoành tráng như ngày nay. Đền rộng khoảng 2ha, nằm trên bãi Tự Nhiên ven sông Hồng, thờ Đức Thánh Chử Đồng Tử (một trong tứ bất tử của dân tộc) cùng nhị vị phu nhân là Tiên Dung và Tây Sa công chúa.
Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh đền thờ, ông Hoàng Văn Quyết (83 tuổi, thủ từ của đền) cho biết, hiện đền Ða Hoà còn lưu giữ được nhiều cổ vật quý. Do đó những kẻ trộm cắp thường xuyên nhòm ngó, từng lấy đi một số đồ quý giá.
Không chỉ bị mất chiếc lọ quý, đền Đa Hòa còn bị mất đôi hạc và nắp chiếc vạc làm bằng đồng đặt ở giữa tòa Thiên Hương vào năm 2006. Theo ông Quyết, trong cuộc đấu xảo ở Hà Nội năm 1902, ông Dương Cử Trạc là người tổng Mễ Sở, đã đấu giá thành công đôi hạc và chiếc vạc đồng có hai rồng cuốn hai bên, thiết kế rất tinh xảo. “Ông Trạc đã cung tiến vào đền. Đề phòng bị trộm cắp, ban quản lý di tích đã cho đá vào trong chiếc vạc và đậy nắp lại. Do quá nặng nên bọn chúng không thể bê được chiếc vạc, chỉ lấy được chiếc nắp và đôi vạc đồng”, ông Quyết nói và cho biết một thời gian sau đó, kẻ trộm đã quay lại kéo chiếc vạc ra ngoài, định lấy đi nhưng không được. Ngoài ra, chiếc lư cổ bằng đồng khắc 4 chữ “Đa Hòa chính từ” trên ban thờ nhà đại tế cũng bị bọn trộm nhòm ngó nhưng không thể bê đi được do đã được khóa dây chặt vào ban thờ.
Hiện quanh đền lắp đặt 25 chiếc camera an ninh và ban quản lý đền thờ cắt cử người trông coi ngày đêm để bảo vệ di tích và vật quý trong đền tránh bị trộm cắp xâm nhập.
3 pho tượng đồng thờ Đức Thánh Chử Đồng Tử và nhị vị phu nhân trong hậu cung
Trong số các cổ vật tại đền chính Đa Hòa phải kể đến 6 pho tượng thờ Chử Đồng Tử, Tiên Dung và Tây Sa công chúa. 3 pho làm bằng gỗ mít thờ ở nhà đệ nhị và 3 pho làm bằng đồng đặt trong hậu cung theo trật tự ở giữa là tượng Chử Đồng Tử, đầu đội mũ có chữ Vương, nét mặt thông minh, thuần phác. Hai bên là nhị vị phu nhân, bên tay trái Đức thánh Chử là Tiên Dung công chúa, bên tay phải là Tây Sa công chúa. 2 bà đầu đội mũ nữ hoàng, khuôn mặt nhân hậu, hiền thục
Ông Quyết giải thích sự xuất hiện của 6 pho tượng bằng gỗ, đồng này liên quan đến một sự kiện lịch sử được dân làng lưu truyền từ đời này sang đời khác.
Vào thế kỷ 17 – 18 đất nước ta rối ren nhiễu nhương nhất. Nông dân nhiều nơi khởi nghĩa. Cống Chỉnh (Nguyễn Hữu Chỉnh đỗ hương cống nên thiên hạ gọi là Cống Chỉnh) sau khi giúp anh em Tây Sơn kéo quân ra Bắc diệt Trịnh quay ra làm phản, muốn lập cõi riêng nên bị Nguyễn Huệ sai Vũ Văn Nhậm ra giết chết.
“Theo các cụ già tổng Mễ Sở kể lại thì để chuẩn bị chống quân Tây Sơn, Cống Chỉnh cho lính đi khắp nơi vét sạch các thứ đồ đồng trong đó có cả ba pho tượng đồng ở đền Đa Hòa về đúc súng. Vì ba pho tượng “rất thiêng” nên chúng thổi lửa ba ngày ba đêm đồng không chảy. Quân Cống Chỉnh sợ hãi bỏ chạy. Trong khi đó dân trong vùng lại làm ba pho tượng mới bằng gỗ mít, rồi làm lễ hô thần nhập tượng đưa lên thờ. Khi vua Quang Trung dẹp xong giặc Mãn Thanh, có cho các nơi biết làng nào có ba pho tượng đồng thì lên nhận đem về. Nhiều nơi nhận tranh không được. Chỉ khi dân làng 8 xã của tổng Mễ Sở kéo lên mô tả đúng 3 pho tượng nên được rước về thờ”, ông Quyết kể.
Hiện đền Đa Hòa lắp nhiều camera an ninh chống trộm cắp cổ vật
Khi đến với di tích này, mọi người không khỏi choáng ngợp, cuốn hút vì tổng thể kiến trúc ngôi đền đi từ ngoài vào trong giống như đang được người xưa dẫn dắt, kể chuyện Chử Đồng Tử hiếu thảo với cha mẹ, cũng như thiên tình sử của ông với nàng công chúa Tiên Dung. 18 nóc nhà lớn nhỏ trong đền mang hàm ý nàng Tiên Dung vừa tròn 18 tuổi, đời vua Hùng Vương thứ 18. Các mái đều hình thuyền, mũi cong. Từ dưới sông nhìn lên, từ trên đê nhìn xuống đều thấy các mái đền nối tiếp nhau như một đoàn thuyền đang nhấp nhô ẩn hiện.
Tại đây vẫn còn lưu nhiều bút tích của tiến sĩ Chu Mạnh Trinh thông qua hàng chục bức hoành phi, câu đối và đặc biệt ấn tượng là bức tường viết 2 chữ “bồng”, “lai” theo nét thư pháp ở 2 bên tòa Thiên Hương. Ông được coi là thần hộ đền, trên ban thờ vẫn còn dựng cây đàn thập lục sinh thời ông từng gảy.