Sinh năm 1942, ở làng Vạn Phúc, bên bờ sông Hồng, thuộc ngoại thành Hà Nội. Sau gần mười năm xung phong đi xây dựng kinh tế miền núi Quảng Ninh, ông trở về làm kỹ thuật cơ khí ở xí nghiệp gạch ngói Văn Điển, rồi chuyển sang Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nội làm biên tập tờ tạp chí tiền thân của báo Người Hà Nội hiện nay, cho đến khi nghỉ hưu… Quãng đời biên tập đã để lại ấn tượng đẹp cho trang thơ báo Người Hà Nội trong lòng bạn đọc gần xa còn lưu giữ.
Hà Nội một thời thơ
Ta chưa có một căn phòng nho nhỏ
Kê đủ chiếc giường cho giấc ngủ hằng đêm
Như thế đấy mà anh yêu Hà Nội
Suốt một đời lặng lẽ tựa yêu em…
Cả một đời lặng lẽ nhớ và quên:
Có cái nhớ bây giờ tìm đâu nữa
Có cái quên chợt thức dậy bàng hoàng
Từ cậu bé lần đầu ra biết phố
Ngơ ngác bước chân, mắt mở mơ màng
Chuông tàu điện lẩn vào hồn từ ấy
Rẻ làm sao giá vé mỗi chuyến tàu
Chỉ có năm xu Bờ Hồ – Cầu Giấy
Cứ lên ngồi mặc sức chạy lâu mau…
Đâu đã biết thương đường ray ken két
Con tàu già tới lúc phải thay
Sẽ mang đi tiếng chuông reo rộn rã
Và cả thời trong trẻo với mơ say!
Ngày ấy cờ bay sao mà đẹp thế
Bóng cờ sao lấp lánh tựa như hồn
Sông núi đang nhìn ta vẫy vẫy
Nắng Ba Đình thuở ấy tựa vàng son
Làm sao có thể tìm lại mình cái thuở
Buổi sớm mai dọc phố Tràng Tiền
Mua củ khoai lang vừa ăn vừa đi vội
Cho kịp vào lớp học tận Long Biên
Làm sao có thể hình dung đôi bàn chân đất
Đã làm quen hết phố rộng phố dài
Gặp tên phố quê mùa như mình vậy
Lòng mỉm cười trước tấm biển “Hàng Khoai”
Người Hà Nội bấy giờ thân thiện lắm
Không phân biệt nhà quê, thành phố, sang hèn
(Tôi đến được với thơ nhờ vậy
Thơ với tôi bao giờ cũng thiêng liêng)
Lại nhờ thơ cho anh biết yêu em
Yêu và sống cùng buồn vui hữu hạn
Thấm thía biệt ly tháng năm bom đạn…
Cho ta yêu thêm mỗi ngày sống trên đời
Chiến tranh qua, tuổi trẻ cũng qua rồi
Thành phố đổi thay hết mọi điều mong ước
Đâu còn dấu chân quê in dọc phố Tràng Tiền
Anh tìm lại Cột Đồng Hồ – còn đâu nữa dáng em…
Giờ viết câu thơ tạ ơn Hà Nội
Những gì đã cho ta thuở ấy đẹp vô ngần
Tấm áo vi-ni-lông mấy lần em khâu lại
Anh đã tặng bảo tàng của Hội Nhà văn!(*)
(*) Tấm áo của nhà thơ Xuân Diệu đem cho tôi mặc những năm thiếu thốn, giờ tặng lại Bảo tàng Văn học lưu niệm kỷ vật Xuân Diệu.