Đền Hóa Dạ Trạch và Truyền thuyết Đức Thánh Chử Đồng Tử 15/06/2012

Trong quần thể di tích có Đầm Dạ Trạch, trước đây rất rộng lớn, là nơi Triệu Quang Phục (Triệu Việt Vương) đóng quân doanh chống quân Lương xâm lược (thế kỷ VI) thắng lợi. Tương truyền, khi quân Minh xâm lược nước ta, nhà Hồ thất thế, Nguyễn Trãi đến đền Hóa Dạ Trạch cầu đảo được thần báo mộng vào Lam Sơn, phò Lê Lợi chống giặc Minh xâm lược.

Chúng tôi còn phát hiện tại Đền Hóa còn rất nhiều mộc bản có từ lâu đời. Theo ông Nguyễn Văn Để, thủ từ Đền Hóa, đó là những cuốn kinh sách, lời sấm và phương thuốc chữa bệnh của Đức Thánh Chử Đồng Tử. Những di sản tư liệu này hiện tại được bảo quản rất thô sơ và có nguy cơ bị thất lạc.

Mong muốn của nhân dân địa phương là nhận được sự quan tâm giúp đỡ trong công tác nghiên cứu, kiểm kê, bảo tồn và phát các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể này từ Cục Di sản văn hóa và Sở VHTTDL tỉnh Hưng Yên.

 

Truyền thuyết Chử Đồng Tử và nhị vị phu nhân

Tương truyền, tại làng Chử Xá, Văn Giang, Hưng Yên, có gia đình ngư dân nghèo là ông Chử Vi Vân và bà Bùi Thị Da, vợ chồng lập gia thất đã lâu mà không có con. Một đêm bà Bùi Thị Da nằm mộng, thấy tiên ông từ Thiên đình giáng thế cho bà một tiên đồng, bà giơ tay đón nhận rồi giật mình tỉnh giấc. Từ đó, bà thụ thai, đến ngày mãn nguyệt khai hoa (nhằm ngày 12 tháng tám) bà hạ sinh một người con trai khôi ngô tuấn tú khác thường, đặt tên là Chử Đồng Tử.

Có vần thơ ghi lại:

“Đời Hùng Vương

Ngày mười hai tháng tám

Đức thần tiên hạ giáng cõi trần

Vào nhà họ Chử Vi Vân

Mấy đời tích đức âm cung hải hà

Huyện Văn Giang quê nhà Chử Xá

Vẻ uy nghi phẩm giá kỳ thanh”.

Thuở hàn vi, Chử Đồng Tử gặp nhiều gian truân, năm mười ba tuổi mẹ mất, ít lâu sau nhà cửa hỏa hoạn, gia tài cha con chỉ còn chiếc khố rách, thay nhau mặc mỗi khi ra khỏi nhà. Họa vô đơn chí, một thời gian sau, người cha ốm nặng qua đời. Lúc hấp hối, người cha dặn con giữ lại chiếc khố mà mặc kẻo thiên hạ chê cười, cha đã có ba thước đất che chở. Sẵn lòng hiếu thảo, Chử Đồng Tử đã liệm cha bằng chiếc khố duy nhất, khâm liệm xong tha hương cầu thực, ngày ngâm nước kiếm cá, đổi lấy thức ăn của thuyền bè qua lại, dần dà xuống huyện Chu Diên (tức Khoái Châu) ngày nay.

Một hôm, đang kiếm cá dưới sông, chợt thấy cờ xí rợp trời, trống chiêng inh ỏi, Chử Đồng Tử sợ hãi, chạy lên bãi Tự Nhiên, vùi mình vào cát ẩn nấp. Khi đó, đoàn thuyền của Công chúa Tiên Dung, con gái Hùng Duệ Vương (Vua Hùng thứ 18) du ngoạn sông Nhị (sông Hồng ngày nay), thấy bãi sông đẹp, bèn cho hạ thuyền, lên bãi cát ngắm cảnh rồi quây màn trên bãi để tắm. Khi dội nước, cát trôi đi, lộ nguyên hình Chử Đồng Tử, Tiên Dung không hề sợ hãi, giữ Chử Đồng Tử lại, hỏi rõ nguyên cớ. Nàng nói “Ta nguyện không lấy chồng, giờ đây hai ta không hẹn mà gặp, lại trong hoàn cảnh hai người đều không quần áo, ắt là ý trời xe duyên đó thôi,” bèn sai quân hầu cấp quần áo và làm lễ thành hôn, yến tiệc linh đình. Khi Hùng Duệ Vương nghe tin tức giận cho rằng con gái không giữ phẩm giá kết duyên với kẻ tầm thường, bèn từ con không cho Công chúa hồi Cung.

Từ bỏ cuộc sống nhung lụa, hai vợ chồng Chử Đồng Tử – Tiên Dung làm nông dệt vải, dựng chợ làm nghề buôn bán. Chử Đồng Tử theo thuyền ra khơi đi buôn bán trên biển, tình cờ gặp được tiên ông là Ngường Quang trên đảo Quỳnh Lăng. Thấy diện mạo của Chử Đồng Tử khác thường, bèn giữ lại truyền dạy các bài thuốc chữa bệnh cứu người và phép thuật biến hóa để cứu nhân độ thế. Ba tháng trên động bằng ba năm trần gian, trước khi trở về, tiên ông ban cho chiếc gậy và chiếc nón dặn rằng “Phép thần thông cả ở trong này, khi có việc cần kíp cứ cắm trượng xuống đất, úp nón lên trượng, đọc câu thần chú, mọi việc sẽ như ý muốn”.

Về nhà, Chử Đồng Tử thuật lại mọi chuyện cho vợ. Tiên Dung giác ngộ bèn bỏ việc buôn bán, cùng chồng chu du bốc thuốc chữa bệnh cứu người. Khi đó, xã Ông Đình và An Vĩ có bệnh dịch, Chử Đồng Tử và Tiên Dung đã cứu chữa dân chúng, từ thập tử nhất sinh bình phục trở lại.

Trong một lần đi chữa bệnh, Chử Đồng Tử và Tiên Dung bất ngờ gặp Tây Sa, thấy người nhan sắc tuyệt trần, Tiên Dung khẽ hỏi “Nàng là tiên chăng, hay là thần gió, thần hoa đây?”. Tây Sa đáp “Chẳng qua ta chỉ náu mình thôi, chính ta là Tây Sa Tiên Cung, mới nhìn đã biết vợ chồng chị đã tu đắc đạo thành tiên cả rồi. Nay không hẹn mà gặp nhau tại đây, chẳng biết là duyên trời hay tình người nhỉ?” Sau một hồi nói chuyện, Tiên Dung đã kết nghĩa chị em và xe duyên cho Chử Đồng Tử. Từ đó ba người đi chữa bệnh, truyền đạo tiên học được cho dân chúng.

Được tin Vua cha ốm nặng, Ngự y trong triều lực bất tòng tâm, Chử Đồng Tử và Tiên Dung nhờ Tây Sa đóng giả làm bà lang, xin vào Cung để trị bệnh giúp Vua. Được Tây Sa chữa bệnh, Hùng Duệ Vương đã nhanh chóng khỏi bệnh một cách diệu kỳ.

Một lần khi đi chữa bệnh cho dân, dừng chân ở xã Vĩnh Hưng (tức Dạ Trạch ngày nay), cả ba người dừng lại cắm gậy úp nón lên trên dựng lán nghỉ tạm. Nửa đêm, bỗng chỗ đó thành quách mọc lên, cung vàng điện ngọc sung túc, người hầu lính tráng la liệt. Hôm sau, dân chúng quanh vùng kinh ngạc bèn kéo đến quỳ lạy, nguyện xin làm bầy tôi. Cả một vùng trở nên sầm uất, thịnh vượng như một quốc gia.

Vua Hùng nghe tin cả giận, nghi ngờ Tiên Dung cùng chồng tạo phản, bèn cho quân đi dẹp, bắt về trị tội. Khi thấy quân đội Triều đình vây bắt, Tiên Dung than lên “Bày tôi không bao giờ chống lại Vua, con không bao giờ phản cha. Ta phải làm theo lẽ phải, dù chết cũng cam lòng để tròn hai chữ Trung – Hiếu.”

Suy nghĩ phút giây, Chử Đồng Tử niệm chú, nhổ gậy và nón khỏi mặt đất, lập tức trời đất rung chuyển, lâu đài nguy nga biến mất, Chử Đồng Tử và nhị vị phu nhân hóa về trời, để lại một hố lớn gọi là Trầm, chữ nho là Trầm Nhất Dạ (gọi là Dạ Trạch). Ngày tam vị đồng hóa được ghi lại nhằm ngày 17 tháng 11 Âm lịch.

Được tin dữ này, Hùng Duệ Vương đích thân xa giá về tận nơi xem thực hư sự tình, nghe thần dân địa phương tâu lại sự tình. Bất ngờ trên trời xuất hiện nàng Tây Sa cưỡi hạc trắng, tạ lỗi với Vua Hùng, vua chợt nhận ra ân nhân cứu mạng, sực tỉnh, thương xót các con bèn cho lập đền thờ dọc hai bờ sông Hồng. Ngày nay, Đức Thánh Chử Đồng Tử được thờ tại nhiều nơi trên cả nước.

Đền Hóa Dạ Trạch

Đền Hóa Dạ Trạch còn có tên gọi là đền Dạ Trạch, thuộc thôn Yên Vĩnh, xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu, thờ Chử Đồng Tử, Tiên Dung Công chúa, Tây Sa Công chúa và Triệu Việt Vương. Đền Hóa Dạ Trạch được xây dựng trên nền cao của lâu đài thành quách xưa, ngay sau khi ba vị hóa về trời.

Vào cuối thế kỷ XIX, đền được trùng tu tôn tạo, do công sức đóng góp của nhân dân tổng Vĩnh và người chỉ huy xây dựng là Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh. Đền Hóa Dạ Trạch lưu giữ nhiều cổ vật như sắc phong, hoành phi câu đối, đại tự. Đặc biệt là chiếc nón và cây gậy – phép biến hóa của Chử Đồng Tử dùng để cứu nhân độ thế. Tượng cá chép, gọi là ông “Bế” (“Bế ngư thần quan”), tạo hình cá chép đang hóa rồng. Chuông “Dạ Trạch Từ chung” (Chuông đền Dạ Trạch), đúc năm Thành Thái thứ 14 (1902) ghi lại quá trình trùng tu di tích.

Trong quần thể di tích có Đầm Dạ Trạch, trước đây rất rộng lớn, là nơi Triệu Quang Phục (Triệu Việt Vương) đóng quân doanh chống quân Lương xâm lược (thế kỷ VI) thắng lợi. Tương truyền, khi quân Minh xâm lược nước ta, nhà Hồ thất thế, Nguyễn Trãi đến đền Hóa Dạ Trạch cầu đảo được thần báo mộng vào Lam Sơn, phò Lê Lợi chống giặc Minh xâm lược.

Chúng tôi còn phát hiện tại Đền Hóa còn rất nhiều mộc bản có từ lâu đời. Theo ông Nguyễn Văn Để, thủ từ Đền Hóa, đó là những cuốn kinh sách, lời sấm và phương thuốc chữa bệnh của Đức Thánh Chử Đồng Tử. Những di sản tư liệu này hiện tại được bảo quản rất thô sơ và có nguy cơ bị thất lạc.

Mong muốn của nhân dân địa phương là nhận được sự quan tâm giúp đỡ trong công tác nghiên cứu, kiểm kê, bảo tồn và phát các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể này từ Cục Di sản văn hóa và Sở VHTTDL tỉnh Hưng Yên.

Nguyễn Hoàng Anh

Tag :