Tôi xin nhập đề với một chút dông dài, như một nhắc nhở về những gì đã qua cho những gì nhắc nhở mai hậu. Thời gian rồi sẽ qua đi, tất cả những rộn rã, tất bật của cuộc sống hôm nay cứ trôi theo dòng năm tháng, xô dạt về cuối mỗi cuộc đời. Nhưng dòng chảy kia thì bất tận, hun hút. Từ một căn duyên nào đó, người ta gặp nhau, thêm một mối dây liên hệ, một tương quan trong suy nghĩ, tương đồng hay dị biệt, trân trọng hay hững hờ…tất cả đều từ vốn liếng và sự đóng góp của mỗi cá thể cho nhân quần xã hội. Về phương tiện giao lưu văn học thì liên hệ của tác giả với tác giả và tác giả với tác phẩm là một tương quan mà một ngày kia là tư liệu.
Đối với một tác giả đã đi vào đại chúng, mối tương quan giữa tác giả và tác phẩm văn học là những tư liệu để soi rọi lại con người, tác phẩm và thời đại cho công việc khảo cứu, phê bình về sau. Tư liệu đó đôi khi chỉ là những chi tiết tản mạn nhưng lại hữu dụng khi nó phản ánh một góc cạnh của quan niệm, tư duy, tình cảm của tác giả và nhân vật trong tác phẩm.
Tên tuổi của nhà văn, nhà thơ nữ Vi Khuê đã rất quen thuộc với độc giả trong và ngoài nước, nhất là độc giả hải ngoại từ sau 1975.
Viết về Vi Khuê, nhiều người đã làm công việc đó. Tôi đã đọc bà ở “Vẫn Chờ Xe Thổ Mộ”, Hoa Bướm Vườn Thơ Tôi” và nhiều thơ văn khác của bà. Tôi đã được nghe bà trong băng thơ nhạc Vi Khuê do đài VOA giới thiệu từ Washington.
Sau ngày bà đến Cali dự lễ “49 Ngày tưởng niệm Nhà báo Chử Bá Anh” tại Hội Quán Việt Nam, Và rời San Jose trở về Hoa Thịnh Đốn, các thân hữu trong Cơ sở Thi Văn Cội Nguồn và Diễn đàn văn học nghệ thuật “Đất Đứng” quyết định thực hiện một số đặc biệt về Vi Khuê. Anh Chủ biên “Đất Đứng” đề nghị tôi viết một bài về chủ đề này. Tôi đắn đo nhưng rồi tôi viết.
Sau nhiều lần nói chuyện với bà và hai lần gặp gỡ, tiếp xúc, tôi nhận thấy ở Vi Khuê không phải chỉ có “chất thơ đài các và thâm trầm” như nhận xét của nhà văn Nguyễn Mộng Giác mà nét nữ lưu đài các, vẻ thông minh trầm mặc còn thể hiện rõ ở phong cách của Vi Khuê.
Vi Khuê đã có ba tập truyện và sáu tập thơ xuất bản. Thơ Vi Khuê là cả một kho tàng ngôn ngữ quý phái, sắc bén, thâm trầm, mới mẻ trong ý tưởng diễn đạt, rất gần gủi với tâm hồn, tình cảm của thế nhân.
Cách đây một năm, khi tôi phụ trách biên tập thi tuyển “Gửi Ngưởi Dưới Trăng”, nhận được tám bài thơ bà gửi cho tuyển tập, khi đọc, tôi đã khựng lại ở bài “Mai Mốt Tôi Về”, “Gởi Hồn Theo SÁch” và “Chúng Ta Đi Ngàn Dặm Sẽ Quay Về”. Có lẽ không phải riêng tôi mà người đọc thơ, yêu thơ đều thấy tâm sự mình ở đó, hoặc là, đều nhận thấy đã có Vi Khuê thổ lộ tâm sự thay cho mình. Trong “Mai Mốt Tôi Về”, thấy gì trên chiếc cầu cũ dòng sông xưa. Mơ về thưở mười tám đôi mươi của mình mà thương xót, tội nghiệp những mái đầu mười tám đôi mươi đã chít khăn sô từ mùa ly loạn.
Tất cả những ấn tượng từ một tương lai lùi dần về dĩ vãng đã được gói gọn trong bốn câu thơ mở đầu. Để rồi từ đó biết bao ấn tượng lan man kết thành một chuỗi dài khổ đau của cả một dân tộc. Nỗi khổ đau kia cho đến cuối đời tóc đã bạc “Đá cũng còn cau mặt”.
Bằng một khỏ thơ chuyển nhập với lối dùng điệp tự độc đáo, tác giả kéo tiềm thức trở về với nổi trôi bất hạnh của mấy thế hệ con người:
Thì thế thì thôi, thì lận đận
Thì long đong, thì đã lênh đênh
Thì như ai đó ngoài mưa lạnh
Chìm nổi theo con sóng gập ghềnh
Đọc tiếp sang bài “Chúng Ta Đi Ngàn Dặm Sẽ Quay Về”. Quay về, sau những xa lạ, bâng khuâng, ngọt ngào khách sáo, vu vơ, giả dối… là một thực tại của quê hương nghèo nàn, xiêu vẹo. Cảch sống bần cùng xơ xác. Mượn hình ảnh em bé mồ côi cúi gặm chút xương gà moi lên từ túi rác ni-lông để nhắn nhủ với mọi người. Lời tự thú hay một quy trách:
Chúng ta sẽ trao em lời tự thú
Là người dân Nước Mới Hai Trăm Năm
Để em hiểu: Bốn Ngàn Năm Lịch Sử
Phải thay đời. Cho bớt nỗi long đong.
Có phải thơ Vi Khuê là một hiện tượng “lên đồng” như chính tác giả đã thổ lộ khi phát biểu tại Hội Qúan Việt Nam chiều ngày 4.5.96. Hôm đó nữ nghệ sĩ Kiều Loan chọn bài “Tống Biệt Hành” trong tập “Hoa Bướm Vườn Thơ Tôi” để ngâm. Do cẩn thận, Kiều Loan trao tập thơ cho tôi và tỏ ý tôi chọn một bài đẻ cô trình bày. Đọc lướt qua một lượt, tôi dừng lại ở bài “Tống Biệt Hành”.
Tôi hỏi: “Cô đọc bài này rồi chứ?” Kiều Loan đáp lại : “Tôi đã chọn bài này. Anh thấy thế nào?” “Được chứ. Tôi định đề nghị cô ngâm “Tống Biệt Hành”.
Sau đó MC đã giới thiệu: “Nữ nghệ sĩ Kiều Loan ngâm bài “Tốnhg Biệt Hành” của Vi Khuê viết để tiễn biệt phu quân của bà.”
Vì vậy tác giả đã phải đăng đàn cải chính. Trong khi phát biểu với cử tọa, tác giả Vi Khuê nói rằng: “Làm thơ, có khi người ta như lên đồng; viết theo tiếng vọng từ tiềm thức, từ vô thức, từ một cõi xa xăm nào đó, mà chính mình không hiểu rõ!” Như vậy ngôn ngữ của Vi Khuê trong “Tống Biệt Hành” là ngôn ngữ “lên đồng”. Đó là hiện tượng xuất thần. Mà ý tứ, ngôn ngữ xuất thần thì hẳn nhiên bài thơ đã đạt đến tuyệt đích của cảm xúc và rung động.
Nhà thơ Xuân Diệu cũng đã từ nói rằng: “Thơ là ngôn ngữ đặc biệt của thi nhân. Chỉ có người thơ mới có được thứ ngôn ngữ riêng biệt ấy”.
Tác giả Vi Khuê cũng cho biết bà viết ‘Tống Biệt Hành” theo gợi ý của nhà văn Võ Phiến. Theo đó, ông đề nghị mỗi người làm thơ nên viết một bài theo ý “Tống Biệt Hành” của Thâm Tâm. Nhưng Vi Khuê đã viết “Tống Biệt Hành” theo cảm xúc và ngôn ngữ riêng của bà, như thế thì sẽ thấy chẳng khác nào những bản dịch.
TỐNG BIỆT HÀNH CỦA THÂM TÂM VÀ VI KHUÊ
Cách đây hơn nửa thế kỷ Thâm Tâm đã tiễn một người đi trong “Tống Biệt Hành” của ông. Tiễn người đi mà tác giả nghe lòng dậy sóng. Người đi trong tâm sự mênh mang, trong hoàng hôn đáy mắt. Con đường đời nhỏ hẹp. Sự nghiệp còn ngoài tầm tay. Chí lớn đã quyết đành. Công chưa thành, danh chưa toại, “ba năm, mẹ già cũng đừng mong”. Và:
Người đi, ừ nhỉ, người đi thực
Mẹ thà như chiếc lá bay
Chị thà như là hạt bụi
Em thà coi như hơi rượu say
“Tống Biệt Hành” của Thâm Tâm đã là nguồn cảm hứng cho nhiều thế hệ thi nhân. Tôi đã được đọc một số ít bài âm vọng từ “Tống Biệt Hành”. Nhưng phải chờ đến “Tống Biệt Hành” của Vi Khuê, tôi mới tìm được ở bà, một nhân vật thứ hai đầy tính chất triết lý nhập thế, dấn thân của một tráng sĩ Đông phương hay của một một lãng nhân Phù Tang thời phong kiến tay không đi tìm nghiệp lớn.
Vi Khuê đã dựng lên một đối tượng ngang bằng vai vế để nhắn nhủ, để khích lệ người ly khách. Dù Người đi về phương nào chưa chắc được, nhưng Người cứ đi. Cuộc tiễn đưa nào mà không mang tiếng ngậm ngùi, cảm xúc. Người ly khách trong “Tống Biệt Hành” của Vi Khuê có rượu, có trăng, có lệ tràn và một thoáng môi cười của người đưa tiễn. Rượu sẽ nói lời vĩnh biệt. Rừng không gió, trời không mây, vườn ngự không hoa và có cái gì đó không dằn được những cảm xúc trắc ẩn từ cõi lòng để kẻ ở phải thảng thốt nói với người đi:
Ta tiễn Ngươi mà,
Ta tiễn Ngươi!
TA VỀ VÀ TA ĐI
“Ta Về” của Tô Thùy Yên để vĩnh biệt mười lần ba trăm sáu mươi lăm thiên thu, hóa thân làm vượn cổ của thời đại văn minh từng rú. “Ta Về” để nhìn thấy những đổi thay bạo ngược. “Ta Về” với ảo giác một thoáng mừng vui xôn xao tưởng tượng. “Ta Về” như chiếc lá rơi về cội. Rưới một chút rượu hồng mong giải oan cho cuộc biển dâu, nhưng oan nghiệt ấy không những không giải được mà còn chất chồng thắt buộc. “Ta Về” để ngao ngán trước cảnh đời hoang phế, để vỗ về nhen nhúm gây dựng lại những thứ thân quen, cửa ngõ, giàn hoa, bức tường… mà cũng là để nhen nhúm niềm hy vọng, niềm tin cho cuộc hồi sinh.
“Ta Đi” của Vi Khuê để từ biệt nước non, từ biệt mẹ già, từ biệt dĩ vãng thân yêu, từ biệt nhưng lại cố níu kéo mọi thứ để mang theo, từ bông cỏ may đến dòng sông ửng nắng, hàng dây kẽm gai của giai cấp “tố khổ tố giàu trăm thứ tố”.
“Ta Đi” của Vi Khuê là bài thơ mà tác giả ghi là “Vọng âm bài ‘Ta Về’ của Tô Thùy Yên”:
Ta về như sợi tơ trời nắng
Chấp chới trơi buồn với nắng hanh
Ai gọi ai đi ngoài cõi vắng
Dừng chân nghe quặn thắt tâm can.
(Tô Thùy Yên)
Ta đi, như thể chim lìa tổ
Như lá lìa cành tự tối nay
Một tiếng tiễn đưa là tiếng sét
Oan khiên là cuộc chiến tranh này
(Vi Khuê)
“Ta Về”, về để nhìn thấy một cảnh đời đổi thay, phế hoang, ngao ngán. “Ta Đi”, đi để bỏ cảnh đời thay ngựa giữa dòng, để bỏ cảnh đời phế hoang, ngao ngán ấy. Hai hành trình ngược chiều nhưng lại đồng quy, đọng lại ở một đáy sâu tình tự. Đó là tình cảm thiêng liêng ràng buộc của con người Việt Nam với đất nước quê hương.
“Ta Về”, về để cởi lốt con vượn cổ, trở lại nơi cũ chốn xưa, nơi đã nửa đời thân yêu gắn bó.
“Ta Đi”, người đi “vẫy chào non nước mộng”, vẫy chào “ngày xuân chưa kịp ước”. Vẫy chào một dĩ vãng chinh chiến, hận thù. Vẫy chào “năm mươi năm quyện câu hò Huế ”.
“Ta Đi” và ta đã đến. Đến bến bờ lộng lẫy hoa đăng như trong thần thoại nghìn đêm lẻ. Thế mà “Đến nơi…chưa phải là nơi đến”. Hy vọng ao ước không phải chốn này. Cả một dĩ vãng và tình cảm trĩu nặng sau lưng. Nơi đến, giờ đây lại là hành trình ngược lại. Ở đó mới thực sự là chỗ yên lành ao ước:
Ta đi. Ta đến. Ta về chứ
Đi. Đến. Về! Ôi! đất nước mình!
Những dấu chấm và chấm than kia là những ấn tượng xoáy vào tâm can người đọc, cũng như hình ảnh người đi “bước ngập ngừng theo gió” “Thả ống quần cho dính cỏ may” đã gieo một ấn tượng thật mãnh liệt. Đó là cách sử dụng ngôn ngữ để diễn đạt tâm cảm một các rất tài tình của tác giả Vi Khuê.
***
Văn của Vi Khuê, bà đã xuất bản ba tập truyện. Nhiều người đã viết giới thiệu, phẩm bình. Tôi chú ý bài “Điểm sách mới – Nữ sĩ Vi Khuê” của tác giả Tống Diên Tô Dương Hà trong “Hoa Bướm Vườn Thơ Tôi”. Một phần, tôi muốn biết anh viết những gì khi đọc Vi Khuê. Phần khác vì anh là bạn thân, cùng làm việc ở một cơ quan với tôi trước 1975. Sau 75 cùng ở tù chung trại, chung phòng từ Nam ra Bắc. Tôi ít được đọc bài viết của anh. Anh chủ trương tờ Phù Sa, khi tôi còn ở Việt Nam. Vì thế khi gặp bài này tôi đọc hơi kỹ.
Theo tôi, nếu độc giả muốn biết ‘Vẫn Chờ Xe Thổ Mộ” là tập truyện có nội dung thế nào, muốn tìm hiểu giá trị văn chương của tác phẩm thì xin để người điểm sách đọc cho nghe tình tiết mỗi cốt truyện, dẫn đi từ một quán Tàu ở Los Angeles về tới Sài Gòn thăm Dịch vụ khóc mướn quốc doanh.
Và cuối cùng nghe anh kết luận: “Tất cả truyện của bà đều như thế cả: hấp dẫn, sống động, tuyệt vời.” Theo tôi bài viết của Tống Diên Tô Dương Hà cũng tinh tế, sắc bén và lôi cuốn như chính tác phẩm mà anh giới thiệu. Anh là thứ nam của cố văn sĩ Bình Nguyên Lộc.
sn.
Theo trinhnu.net