Họ Chử Việt Nam thăm Làng Chử Xá, Gia Lâm, Hà Nội vào đầu xuân 2013. Đình Chử Xá và Lăng Chử Cù Vân là một cụm di tích lịch sử văn hóa của làng Chử Xá, xã Văn Đức Huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội. Từ năm Quang Thuận thứ 7 triều Lê Thánh Tông, di tích thuộc Chử Xá Châu, thuộc huyện Văn Giang, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc. Năm Minh Mệnh thứ 3 (1822) thuộc trấn Bắc Ninh. Từ cuối thế kỷ XIX đến năm 1945 là xã Chử Xá thuộc tổng Đại Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Bắc Ninh. Sau này cả ba xã Chử Xá, Sơn Hô và Trung Quan thuộc tổng Đại Quan được đặt tên xã Văn Đức. Năm 1961 nhập vào huyện Gia Lâm ngoại thành Hà Nội. Cụm di tích Chử Xá nằm ở bờ Bắc sông Hồng, cách Thủ đô Hà Nội khoảng 20km về phía Đông.
Chử Xá là một làng Việt cổ ven sông Hồng Hà (người dân thường gọi là sông Cái), có lịch sử tồn tại từ rất lâu đời, làng có tên Nôm là làng Sứa, một thời gian dài được gọi là Chử Xá Châu xã (Châu có nghĩa là bãi). Người dân Chử Xá xưa nay vẫn sống bằng nghề nông và chài lưới. Thành tựu khoa học mới đây đã khẳng định khu vực này còn gọi là trung tâm thương nghiệp lớn, bên cạnh làng gốm Bát Tràng nổi tiếng từ thời Trần. Điều đó đã phần nào cắt nghĩa vì sao Chử Xá lại là quê hương của nhân vật huyền thoại Chử Đồng Tử. Căn cứ nguồn tư liệu thành văn hiện còn lưu lại trong đình Chử Xá như: thần tích, sắc phong, bài vị) và sử sách đều cho biết đình Chử Xá thờ Chử Đồng Tử và Tiên Dung công chúa, Hữu phu nhân, Càn Hải tứ vị đại vương và hai vị “Đương Niên, Đương Cảnh”. Sự có mặt của nhân vật lịch sử này sớm muộn có khác nhau và phù hợp với tiến trình phát triển văn hóa truyền thống của dân tộc. Sớm nhất là Chử Đồng Tử và hai bà vợ của ông là công chúa Tiên Dung con gái vua Hùng và bà thứ phi là thợ cấy làng Đông Cảo. Thời Trần có Tứ vị Càn Hải đại vương, đến thế kỷ XVII – XVIII khi tín ngưỡng Thành hoàng phát triển, làng thờ thêm hai vị “Đương Nhiên và Đương Cảnh” làm Thành hoàng làng. Sự tích của ngài Chử Đồng Tử được ghi chép trong nhiều sách sử từ thời Trần cho đến nay. Thư tịch và truyền thuyết dân gian ở địa phương cùng thống nhất ghi lại rằng: Hồi đó ở làng Chử Xá cạnh sông lớn có người dân tên là Chử Vi Vân, sinh hạ được một người con trai đặt tên là Chử Đồng Tử. Nhà gặp hỏa hoạn, của cải sạch không chỉ còn lại một mảnh khố vải cha con ra vào thay nhau mà mặc. Khi người cha lâm bệnh bảo con rằng: “khi cha chết cứ để trần mà chôn, giữ khố lại cho con”, người con không nỡ làm theo, dùng khố mà liệm. Đồng Tử thân thể trần truồng đói rét khổ sở, đứng ở bên sông thấy thuyền buôn qua lại thì đứng ở dưới nước mà xin ăn, khi thì câu cá độ thân. Bấy giờ đoàn du thuyền của công chúa Tiên Dung con gái của vua Hùng Vương thứ ba đi qua Chử Đồng Tử rất là kinh sợ, vội vào trong những khóm lau lấy cát phủ lên mình. Thoắt sau Tiên Dung cắm thuyền dạo chơi trên bãi cát, mến cảnh sông nước hữu tình, nàng ra lệnh vây màn ở khóm lau mà tắm. Công chúa vào màn cởi áo dội nước, cát trôi mất nàng trông thấy Đồng Tử. Thấy vậy Tiên Dung cho là duyên đẹp do trời định, bèn cùng với Chử Đồng Tử kết đạo vợ chồng. Người theo hầu bèn về tâu lại với vua, vua Hùng Vương nói: “Tiên Dung không thiết tới danh tiết, không màng tới của cải của ta, hạ mình lấy kẻ bần nhân còn mặt mũi nào trông thấy ta nữa”, công chúa nghe thấy sợ không dám quay về, bèn cùng Chử Đồng Tử mở bến chợ, lập phố xá, cùng dân buôn bán, dần trở thành trung tâm thương mại lớn. Khi nhà Lý khởi nghĩa chống giặc Lương xâm lược được Chử Đồng Tử trao cho vuốt rồng bảo đem mũ đâu mâu có thể dẹp được giặc. Sau này Triệu Quang Phục chém được giặc Lương là Dương Sằn tự lập là Triệu Việt Vương. Nhớ công lao phù trợ của Tiên Dung và Chử Đồng Tử, nhân dân trong vùng đều lập đền thờ, các triều vua đều ban tặng sắc phong thần cho hai người. Ngoài Chử Đồng Tử, tiên Dung công chúa và hữu hoàng hậu, đình Chử Xá còn thờ tứ vị Càn Hải đại vương. Sự tích của những nhân vật này được ghi chép nhiều trong sử sách và lưu truyền rộng rãi trong dân gian. Sách “Đại Nam nhất thống chí” của Quốc sử quán triều Nguyễn thì vào năm Trùng Hưng thứ nhất (1287) Bính Hoàng đế nhà Đại Tống cùng vương tộc bị nhà Nguyên truy đuổi phải chạy ra bãi biển Nam Hải. Hoàng đế cùng Thái hậu, phi tần nhảy xuống biển tự vẫn. Sau được khen là Trinh liệt và được nhân dân các vùng cửa biển thờ làm Hải Thần ở Châu Hoàn và Sơn Nam. Ở miền biển và dọc những con sông lớn của đồng bằng Bắc Bộ, nhân dân thường lập đền thờ những vị thần này để cầu mong sự bình yên cho những người thường đi lại trên sông nước đầy gian lao, nguy hiểm. Hệ thống sắc phong ở đình Chử Xá cho biết Thánh hiệu của các vị thần Càn Hải được gọi khác nhau qua mỗi thời kỳ lịch sử, thời Lê Trung Hưng thế kỷ XVII – XVIII gọi là “Quốc Mẫu Hoàng bà”, “Hoàng triều Quốc gia Nam Hải Thần”, thời Nguyễn gọi là “Đại Càn Quốc gia Nam Hải Tứ vị Thánh Nương”. Khu di tích đình Chử Xá, lăng Chử Cù Vân là một quần thể kiến trúc tín ngưỡng truyền thống hoàn chỉnh với những đặc trưng và chức năng sử dụng khác nhau. Đình Chử Xá là công trình kiến trúc tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng; Lăng mộ Chử Cù Vân là khu tưởng niệm của vị thân phụ sinh ra Thần hoàng làng. Căn cứ các đạo sắc phong niên hiệu Dương Đức tam niên (1675), niên hiệu Chính Hòa tứ niên (1684) có thể đoán định niên đại khởi dựng ngôi đình khoảng thế kỷ XVII. Những giai đoạn lịch sử sau ngôi đình luôn được trùng tu sửa chữa lớn. Dòng niên hiệu Thành Thái lục niên (1895) còn ghi trên thượng lương của tòa đại đình cho thấy khối kiến trúc vật chất của di tích hiện còn là sản phẩm của nền kiến trúc Việt Nam ở thế kỷ XIX. Cũng do được khởi dựng sớm và được chuyển từ ngôi đền cổ thành kiến trúc thờ Thành hoàng làng nên kiến trúc đình Chử Xá còn mang nhiều nét độc đáo, khác biệt so với những kiến trúc đồng loại hiện nay. Đình Chử Xá được xây dựng trên một khu đất cao, sát với khu vực cư trú của làng. Đình nằm theo hướng Nam trông ra dòng sông Hồng. Tuy ẩn mình trong vườn cây cổ thụ, song vẻ đồ sộ của kiến trúc vẫn lộ ra qua nhiều nếp nhà ngang dọc tạo thành. Tòa kiến trúc được bố cục kiểu tiền chữ Nhị, hậu chữ Công. Từ ngoài vào gồm tòa đại bái, tiền tế và khu cung cấm hình chữ công. Theo quan niệm của nhân dân địa phương thì kiến trúc của đình được chia thành hai phần có chức năng sử dụng khác nhau. Công đồng tế (nơi thực hiện các nghi lễ thờ cúng và hội họp của dân làng) gồm hai nếp nhà hình chữ nhị. Khu cung cấm hình chữ công là nơi toạ lạc của mười một vị Thành hoàng làng. Các kiến trúc bộ phận này được xây dựng liên tiếp theo trục Bắc Nam và liên hệ với nhau bằng những ô cửa lớn. Đại bái là một tòa nhà năm gian hai dĩ trên diện tích 76 m2 (11m x 6,6m). Nhà được xây gạch kiểu tường hồi bít đốc tay ngai, phía trước hai tường hồi xây hai trụ biểu lớn cao ngang gần nóc mái, kiểu tụ lồng đèn đỉnh trụ đắp hình bốn chim phượng chụm đuôi vào nhau đầu quay bốn hướng tạo thành chái giành cách điệu, phần lồng đèn trang trí mặt hổ phù, và các hình tứ quý. Đại bái có mái lợp ngói ta, bờ nóc đắp kiểu bờ đinh, giữa bờ nóc là hàng hoa chanh thủng chạy suốt nóc mái. Bộ khung đỡ mái gồm sáu bộ vì kết cấu giống nhau kiểu “thượng rường giá chiêng hạ kẻ, bẩy hiên” trên bốn hàng chân, giá chiêng được tạo bởi hai cột trốn đặt trên câu đầu, các con rường được đặt thưa qua thớt kê mỏng, các thanh kẻ có một đầu ăn mộng qua cột cái, đầu kia đặt trên một xà ngang to, xà ngang này ăn mộng sâu vào cột cái và đầu cột trốn đặt trên thanh xà ngang bên dưới. Bẩy hiên kích thước lớn, hình đòng, đòng, chân tảng đá kê chân cột hai lớp, lớp dưới hình chữ nhật, lớp trên hình tròn. Nền nhà xây cao so với mặt sân 20cm. Các gian để trống, tạo không gian rộng rãi thuận tiện cho sinh hoạt cộng đồng. Duy ở gian giữa có đặt một hương án lớn hình chữ nhật, hai bên có hai cây quán tẩy được tạo tác tỷ mỷ. Bên trên sát mái sau treo ba bức cửa võng lớn được trang trí bằng kỹ thuật chạm thủng đề tài “lưỡng long chầu nhật”, “tứ quý”, “rùa đội hòm sách”, “long mã trở mặt trời”, “phượng hàm thư”, bức cửa võng hai bên có chủ đề “cửu long tranh trâu”.
Tiền tế là ngôi nhà năm gian, hai dĩ nằm sát sau đại bái, về cơ bản tòa tiền tế có phong cách kiến trúc tương tự nhau cùng có kết cấu vì “thượng chồng rường giá chiêng, hạ kẻ bẩy hiên”. Sự khác biệt giữa chúng được thể hiện qua kích thước, hình dáng của các kẻ và hai vì tường hồi. So với đại bái nhà tiền tế có quy mô nhỏ hơn, hai vì hồi được đặt trên quá giang to dầy. Sau nhà tiền tế là kiến trúc chữ công gồm tiền bái, hậu cung và thiêu hương nối hai dãy nhà này. Tiền bái là ngôi nhà ba gian xây kiểu tường hồi bít đốc, bốn bộ vì được làm kiểu “chồng rường”, mặt trước mở cửa bức bàn, kiểu con tiện, phía sau để trống thông với thiêu hương. Sát tường hồi hai bên xây bệ gạch cao 50cm để đặt long ngai bài vị các vị Thần được thờ. Dãy bên phải đặt ngai thờ Chử Đồng Tử, Tiên Dung và Hữu phu nhân, bên trái là ngai thờ hai vị “Đương Niên và Đương Cảnh”. Tiếp đến là nhà thiêu hương xây chạy dọc ba gian nối với hậu cung. Kết cấu vì kèo nhà thiêu hương có cấu trúc đơn giản kiểu “thượng rường hạ kẻ”, các rường kẻ không trang trí để trơn. Tòa hậu cung là nơi trang trọng và thâm nghiêm nhất để ban thờ các nữ thần Càn Hải đại vương. Hậu cung ba gian hẹp xây kiểu tường hồi bít đốc mái lợp ngói ta, được xây vươn cao hơn so với những nếp nhà phía trước. Kiểu nhà này được xuất hiện phổ biến ở đầu thế kỷ XX. Nền nhà lát gạch Bát Tràng, gian giữa xây bệ gạch đặt long ngai bài vị của các vị thần được thờ tại đình.
Lăng Chử Cù Vân nằm ở vị trí cách đình 800m về phía Đông. Khu lăng có diện tích 300m2, xung quanh đã có tường bao bảo vệ. Cổng lăng được làm kiểu nghi môn tứ trụ, các trụ được xây bằng gạch kiểu trụ lồng đèn, đỉnh trụ đắp hình bốn chim phượng đầu quay bốn hướng đuôi chụm vào nhau tạo thành trái giành cách điệu, thân trụ tạo gờ nổi. Hai trụ nhỏ hai bên làm kiểu trụ lồng đèn. Giữa khu lăng là ngôi mộ lớn xây gạch hình lục giác, mỗi cạnh dài 2,2m. Phía trong mộ xây một ngôi miếu nhỏ, kiểu hai tầng mái, mái lợp giả ngói ống, phần tường hậu của miếu xây cao 60cm, trên bề mặt đắp nổi hình hổ phù. Miếu có cửa vòm cuốn, phía trong xây bệ trên đặt hai pho tượng thân phụ và thân mẫu của đức Thánh Chử Đồng Tử. Đình Chử Xá hiện còn lưu giữ được bộ sưu tập di vật nhiều về số lượng, đa dạng về chủng loại và có giá trị lịch sử văn hóa nghệ thuật cao, trong đó tiêu biểu nhất là bộ sắc phong thần 47 đạo, có niên đại trải dài từ triều Lê đến triều Nguyễn. Sắc sớm nhất có niên hiệu Dương Đức tam niên (1675), tiếp đến là sắc niên hiệu Chính Hòa tứ niên (1684), sắc Vĩnh Khánh nhị niên (1734), sắc niên hiệu Cảnh Hưng 28 (1767), Cảnh Hưng 44 (1783). Hai cuốn thần tích ghi chép sự tích về Chử Đồng Tử. Bộ di vật được tạo tác bằng chất liệu gỗ gồm: Sáu bức hoành phi, hai đôi câu đối có nội dung ca ngợi công tích của Thành hoàng làng. Sáu cỗ long ngai bài vị được trang trí tỷ mỷ và thiếp vàng lộng lẫy, trong đó có ba cỗ ngai được tạo tác vào thế kỷ XVIII. Cỗ long ngai đặt bài vị đức Thánh Chử Đồng Tử có chiều cao cả bệ là 145cm. Bài vị, tay ngai được chạm hình rồng. Bệ cao 45 cm được chia thành nhiều lớp trang trí dầy đặc hoa văn và hình lưỡng long chầu nhật, hổ phù, tứ quý, đây là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo hiếm thấy ở các ngôi đình làng khác quanh vùng. Hai hương án chạm rồng, thiếp vàng nghệ thuật thế kỷ XVIII, hai cây quán tẩy sơn son thiếp vàng, hai bộ đòn kiệu rước chạm rồng nghệ thuật thế kỷ XVIII -XIX; hai pho tượng tròn nghệ thuật thế kỷ XVIII, tượng được tạo tác mang phong thái chân dung, gần gũi với đời thường. Một cỗ kiệu long đình nghệ thuật thế kỷ XIX. Một chân đèn thời Mạc, thân trang trí hình rồng và có khắc dòng chữ Hán ghi niên hiệu Đoan Khánh niên (1586). Có lẽ đây là một di vật quý hiếm mà không phải di tích nào cũng có được. Đây cũng là một vật chứng góp phần tìm hiểu và xác định niên đại khởi dựng của di tích. Đình Chử Xá và Lăng Chử Cù Vân là hai di tích có giá trị lịch sử văn hóa nghệ thuật tiêu biểu của thế kỷ XVIII – XIX. Đình Chử Xá có khởi nguồn là ngôi đền thờ Thần, sau đó do sự phát triển của kiến trúc đình làng nên đền được mở rộng và có thêm chức năng là đình làng nơi sinh hoạt cộng đồng và tổ chức hội làng. Nghiên cứu tìm hiểu về các nhân vật được thờ tại đình Chử Xá cho thấy từ xa xưa khu vực này đã là trung tâm giao lưu văn hóa, thương nghiệp. Mỗi thời kỳ lịch sử được lưu lại trên mảnh đất này thông qua việc phụng thờ các vị phúc thần như: Ngài Chử Đồng Tử là vị thần ở buổi đầu dựng nước và giữ nước, Tứ vị Càn Hải sống ở thế kỷ XIII, thần Đương Nhiên, Đương Cảnh thuộc thời Lê Trung Hưng. Trong số các vị Thành hoàng của làng thì Đức Thánh Chử Đồng Tử là nổi bật hơn cả. Đức Thánh Chử Đồng Tử cùng với Phù Đổng Thiên Vương, Tản Viên Sơn Thánh, Liễu Hạnh Tiên chúa là bốn vị Thần trong “tứ bất tử” của tín ngưỡng văn hóa truyền thống của người Việt.
Đình Chử Xá – Lăng Chử Cù Vân là cụm di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu của Thủ đô ngàn năm văn hiến đã được nhà nước xếp hạng di tích Lịch sử – Kiến trúc nghệ thuật năm 1990.
Nằm bên tả ngạn sông Hồng khu di tích Chử Xá là một điểm tham quan du lịch hấp dẫn đối với quý khách thập phương trong tuyến du lịch bằng đường thuỷ trên sông Hồng mà điểm xuất phát là đền Ghềnh, xuôi xuống phía Nam du khách sẽ thăm đình Bát Tràng và làng Gốm, tiếp đến là khu di tích Đình Chử Xá -Lăng Chử Cù Vân, đây cũng là điểm dừng chân để vãng cảnh và nghỉ ngơi đối với du khách.