Mẹ Quê 28/06/2017

Mẹ đi theo người hàng xóm vào thăm con cháu ở Plei Ku. Năm nay bà đã qua tuổi bát tuần, nghĩa là đã già lắm, sắp tới cõi rồi.Người ta bảo tuổi sáu mươi tính bằng năm; tuổi bảy mươi tính bằng tháng; tuổi tám mươi tính bằng ngày…Mắt mẹ đã mờ, dáng còng run rẩy và hai vai giờ như đã mọc thêm hai cục xương nhọn hoắt. Duy chỉ có làn da ở vai tuy nhăn nheo nhưng đã thành sẹo bầm tím từ hồi trẻ’.

Tôi chợt bùi ngùi: chả lẽ một nhúm thịt xương trước mặt mình lại là người phụ nữ nông dân sung mãn bốn mươi năm trước,nước sông Hồng ngang ngực, hai tay vác chiếc xe đạp Phượng Hoàng lội theo năn nỉ nhà đò cho con trai được sang sông kẻo lỡ mất buổi học bảy giờ…Vâng! Mẹ tôi đấy. Mẹ suốt đời chợ búa gánh gồng hết Hưng Hóa tới chợ Vàng, chợ Bần cách nhà vài ba chục cây số.Mẹ thường dậy từ một hai giờ sáng, sợ nhỡ đò Á mùa mưa sông Hồng rộng ba cây số. Lượt đi là thóc, gạo; khi về là chè, măng, củi và các sản vật đồng rừng. Hồi nhỏ đã nhiều lần tôi để ý tới hai gót chân chai sần quanh năm ăn vẹt cả bậc thềm và sờ vào hai bờ vai chín như sành nung của mẹ, hỏi mẹ có đau không? Người chỉ im lặng mỉm cười- một nụ cười nửa miệng, xa vắng và khẽ khẽ khàng gỡ tay tôi xuống. Có lẽ vậy, sau này lớn lên, được học hành tôi mới thấu hiểu vốn sống, vốn văn hóa cần thiết nhường nào cho việc cảm thụ tác phẩm văn chương. Bờ vai của mẹ đã vào “Văn tế thập loại chúng sinh” của Nguyễn Du từ một buổi chiều mùa xá tội vong nhân tháng bảy có mưa dầm sùi sụt và sương sa lác đác từ hơn hai trăm năm trước: “Kìa những kẻ đi buôn về bán, đòn gánh tre chín rạn hai vai”…
Nếu xuống Hà Nội bảy chục cây số mới có xe máy lạnh, giường nằm. Mẹ không hợp, lại nhiêu khê vài chặng xe. Vậy là Người đi xe đò Lâm Thao- Buôn Ma Thuột từ cổng nhà. Đấy là loại xe cà tàng, có thể bắt bất kì thượng đế nào vạ vật ở ven đường. Bù lại, đa phần khách là bà con hàng xóm hoặc xa nhất cũng là những người Kẻ Á, Kẻ Mương gần kề, dễ chuyện trò, chia sẻ hoặc giúp nhau khi cần. Họ cũng là những người đi thăm con cháu hoặc đi làm ăn ở Kon Tum, Đăk Lắc, Đắc Nông ( đã có hẳn một làng Việt cổ của đất Tổ bên Đăk Lắc).Mà cũng chỉ 23 tiếng là tới nhà con trai…
Nhưng niềm vui với cháu con của bà cũng chỉ được vài ngày.( trong khi bước xuống xe, tay bắt mặt mừng, bà bảo : chơi đến tết) Đến ngày thứ ba bà thẽ thọt: chơi thêm vài ngày nữa, anh chị cho tôi về, mồng 5 có xe ra.Tôi hỏi tại sao? Hay là chăm sóc bà không chu đáo? Món ăn nào không vừa miệng? Hay có đứa nào vô ý hỗn với bà? hay thời tiết không hợp?…Người xua tay bảo: không phải, chỉ vì mẹ nhớ nhà thôi. Tôi bảo: thế đây không phải nhà của bà à? Mẹ bảo: phải, nhưng đây không có tiếng gà gáy, sáng dậy mẹ không được nhóm bếp đun nước, không được quét nhà, quét sân bằng chổi rơm,chổi sể… Các cháu rất ngoan nhưng chúng sạch sẽ thơm tho quá, bà nhớ mùi mồ hôi, mùi tóc sém nắng của mấy đứa ngoài kia. Mấy đứa trong này suốt ngày đi học về lại cắm đầu cắm cổ vào tivi, máy tính, không chịu nói chuyện với bà…Cau lại rất đắt, những ba nghìn một quả( trong khi ngoài quê thì ngược lại, một nghìn ba quả) Và nhất là mẹ nhớ bạn.Ở nhà các bủ thường xuyên tới chơi, tối nào cũng chín mười giờ mới vãn người. Mà không biết con gà mẹ mới xuống ổ với mười đứa con dại, trước hôm mẹ đi nó bị què chân giờ thế nào rồi? Mùng 8 lại giỗ bủ Thiết, nhà mình phải góp giỗ hàng năm đấy.Mà ở đây lạ lắm. Buổi chiều mẹ ra đường, bao nhiêu người chỉ bằng tuổi con cháu đón trẻ đi học về, gặp mẹ, họ không chào một tiếng!…Ôi chao là một đống lí do, mà lí do nào cũng chính đáng cả.Nếu theo cái mạch ấy, tôi có thể suy ra thêm: mẹ nhớ mùi ổi chín sau vườn, hương hoa cau đầu hè, nhớ tiếng mưa rơi âm thầm trên mái ngói âm dương, thương giàn trầu quế những lá già chờ thơm tay mẹ hái mà Người không kịp về đã tủi thân lặng lẽ dời cành rơi xuống đất không để lại một âm thanh nào…Tôi lại chợt nhớ những người mẹ khác của bạn bè. Một người vào thăm con có sở thích ăn mắm nêm trong khi người con dâu không chịu được cái mùi ấy, thành ra…Có người mẹ thích tiếng chim hót mỗi buổi sáng trong vườn quê. Anh con trai thu hẳn một đĩa tiếng chim về mở cho bà cụ nghe. Bà bảo: Ồi dào, báu gì thứ của giả ấy!Lại có bà mẹ rời quê ở một xã bán sơn địa Phú Ninh- Quảng Nam, vò võ hai mươi năm tù tội ,chờ chồng “tập kết”, vào với đứa con trai độc nhất ở PLeiku. Con cháu đi làm. Suốt ngày bà loay hoay trong căn phòng ba mét hai chiều ngang bằng bê tông nóng rẫy. Rồi đứa con chuyển công tác vô Sài Gòn, có nhà bốn tầng thoáng mát. Một lần gặp bà, tôi hỏi: bác vô đây có thoải mái không? Bà bảo: được cái nhà tù này rộng hơn nhà tù trước(!)…Trở lại, níu kéo mãi với cả câu nói của người bạn: bà vào có mấy ngày đã về, bạn bè ông con trai sẽ nghĩ rằng chúng đối xử rất tệ nên mẹ mới đùng đùng bỏ đi như thế, mẹ mới ở lại thêm được một tuần. Hôm lên xe, mẹ hứa như đinh đóng cột: “ Tháng mười sang năm cưới cháu chắc chắn mẹ lại vào.” Nhạt nhòa sau tấm kính xe là bàn tay mẹ vẫy như trái chuối rụng. Mẹ ơi! Bao giờ cho đến tháng mười?

Nhà giáo, nhà văn Th.S Chử Anh Đào

 

Tag :