Tự hào những dòng họ khoa bảng 28/02/2015

Trong lịch sử, làng Hội Phụ (xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội) có tên là “Cự Trình” vốn nổi tiếng về sự học và đỗ đạt. Ngày nay, người dân Hội Phụ vẫn tiếp tục quan tâm tới việc học hành để thay đổi cuộc sống…

Truyền thống tự hào
Theo các cụ cao tuổi trong làng kể lại, thời nhà Lê, Cự Trình có tới 6 người đỗ tiến sĩ được khắc bia tiến sĩ ở Văn bia Quốc Tử Giám (Hà Nội) với những tên tuổi như: Nguyễn Đình Liên, Chử Phong, Chử Thiên Khải, Chử Sư Đổng, Chử Sư Văn, Ngô Thế Trị. Đến thời nhà Nguyễn, làng Hội Phụ tiếp tục có nhiều người đỗ cử nhân như: Phạm Tảo (đỗ năm Kiến Phúc thứ nhất- 1884), Phạm Hồn (đỗ năm Đồng Khánh thứ nhất- 1886), Phạm Duy Tiên (đỗ năm Duy Tân thứ ba- 1910). Theo thống kê của Chi hội khuyến học thôn Hội Phụ, 10 năm qua, ở đây có 240 em đã thi đỗ ĐH, CĐ, trong đó 160 em đỗ ĐH, với tỉ lệ học và tốt nghiệp đạt 100%.

Hiện Hội Phụ có 12 dòng họ, song họ Phạm và họ Chử nức tiếng về truyền thống khoa cử và có số con cháu học hành thành đạt chiếm tỉ lệ cao nhất trong làng. Ông Chử Văn Luận- Bí thư Chi bộ thôn Hội Phụ cho biết, phát huy truyền thống hiếu học, năm 1994, phong trào khuyến học dòng họ Chử đã được mọi người hưởng ứng thành lập. Từ đó đến nay, hàng năm, ban khuyến học đều họp toàn thể các gia đình trong dòng họ, phân tích đánh giá tình hình học tập của từng con em để vừa thúc đẩy phong trào học tập vừa làm thay đổi nhận thức của mọi người. Không chỉ vậy, vào ngày giỗ Tổ, những gia đình, những con em hiếu học đều được ghi danh vào sổ vàng truyền thống của dòng họ và được dòng họ biểu dương. Tính từ năm 1994 đến nay, họ Chử đã có 33 người con đỗ đạt, trong đó có 2 tiến sĩ, 2 thạc sĩ, 26 người là kĩ sư, cử nhân và SV đang học tập trong các trường ĐH.
Bên cạnh đó, dòng họ Phạm cũng được mọi người đánh giá là dòng họ thành đạt ở Hội Phụ về sự trưởng thành nhờ học vấn của các thế hệ con cháu. Sau hơn 20 năm phát triển mô hình khuyến học, khuyến tài dòng họ, họ Phạm đã có 223 cháu đạt danh hiệu HS giỏi và tiên tiến; 31 người có trình độ trên ĐH, ĐH và đang học ĐH. Đặc biệt, không ít gia đình có nhiều con cháu đạt trình độ cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ, có học hàm phó giáo sư, giáo sư như: Gia đình ông Phạm Cảnh Thuần, ông Phạm Mạnh Tấn, ông Phạm Duy Liêm.
Theo người dân ở đây, nhằm gìn giữ và phát huy nét đẹp này, 10 năm trở lại đây, con cháu dòng họ Phạm thành đạt bên ngoài thường trở về thăm gia đình, quê hương vào dịp lễ Tết, hội làng, tự nguyện quyên góp ủng hộ quỹ khuyến học dòng họ mỗi năm lên tới hàng chục triệu đồng. Quỹ này sẽ dành để trao thưởng cho các em HS đỗ ĐH, CĐ, HS đạt giải các cấp và hỗ trợ một số em có hoàn cảnh khó khăn nhưng có ý chí vươn lên trong học tập.

Từ lối suy nghĩ “tân tiến”…
Là một trong số những hộ dân có điều kiện kinh tế khó khăn, phải bươn chải đủ mọi nghề, vợ chồng cô Hoàng Thị Nga, 47 tuổi (xóm Cổng) vẫn quyết tâm nuôi các con thành đạt. Cô Nga quan niệm: “Việc trồng lúa hiện nay khá vất vả, thu nhập không cao nên tôi vừa tranh thủ làm ruộng vừa ở nhà làm chổi tre. Chắt bóp lắm mới đủ nuôi hai con học ĐH. Nhưng dù thế, không có cách nào khác là muốn thay đổi cái nghèo thì chỉ có cách cho con đi học”.
Đây cũng là suy nghĩ chung của nhiều người trong làng. Bác Chử Văn Quyên, 49 tuổi (xóm Đình) chia sẻ: “Gia đình tôi nghèo bởi làm ra bao nhiêu lại chi cho các con ăn học bấy nhiêu. Nhà có 4 đứa thì đứa lớn đã đi làm, hai đứa đang học ĐH, đứa út học lớp 12. Ở đây, dù vất vả cơ cực mấy, mọi người đều cố lo cho con bằng bạn, bằng bè. Tất cả chỉ mong sau này các con không phải khổ…”.
Với sự quan tâm, cổ vũ của từng gia đình, việc xây dựng các dòng họ khoa bảng ở làng Hội Phụ đã trở thành phong trào rộng khắp. Nhằm khuyến khích tinh thần ấy, Ban khuyến học các dòng họ của làng đã góp vốn giúp đỡ, cho các gia đình gặp khó khăn mượn đất canh tác, mượn tiền để tạo điều kiện cho con em đi học. Ban khuyến học cũng liên lạc với con cháu đang sinh sống, công tác khắp đất nước ủng hộ quỹ, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các trường trên địa bàn xã Đông Hội trong công tác khuyến học, khuyến tài. Thậm chí, ở họ Phạm, Ban khuyến học còn chủ động tổ chức các lớp học Hè cho các cháu từ lớp 4 đến lớp 9, huy động giáo viên lên lớp hướng dẫn ôn tập Hè, huy động SV đang học ĐH hướng dẫn, ôn thi cho các em chuẩn bị thi ĐH.
Từ việc khuyến khích học bằng nhiều hình thức, mỗi gia đình ở làng Hội Phụ luôn phát huy và coi trọng giá trị truyền thống, tự hào của dòng họ mình. Điều này đã tác động tích cực tới tâm lí, ý thức coi trọng việc học ở mọi người dân trong làng từ già đến trẻ, ai cũng quan niệm “sự học là ưu tiên và lựa chọn hàng đầu”.

theo baobaohiemxahoi.vn

Tag :