Bài nói chuyện của Cụ Chử Văn Hương tại buổi gặp mặt cộng đồng Họ Chử Việt Nam 2017 12/08/2017

Tuy tuổi gần 90, mắt mờ, chân chậm, tay run, tai nghễnh ngãng, Cụ Chử Văn Hương vẫn tràn đầy nhiệt huyết  tiếp chuyện các cụ và các vị đại biểu về thăm nơi sinh và phát tích đức thánh Chử ở thôn Chử Xá. Ban liên lạc lâm thời Họ Chử Việt Nam xin được gửi tới quý vị toàn văn bài phát biểu của Cụ tại sự kiện Gặp mặt Họ Chử 2017 và Ra mắt Ban liên lạc lâm thời Họ Chử Việt Nam.

BÀI NÓI CHUYỆN CỦA CỤ CHỬ VĂN HƯƠNG

Kính thưa:

– Các cụ, các vị đại biểu Đảng ủy, Ủy ban, Mặt trận Tổ quốc xã và thôn.

– Các vị khách quý và các ông, các bà cùng các anh các chị.

Hôm nay rất vinh dự và vui mừng phấn khởi được đón các quý khách về thăm quê hương Chử Xá chúng tôi, nơi cội nguồn của họ Chử.

Chử Xá theo nghĩa hán là nhà ở họ Chử. Đây là nơi sinh và phát tích của Đức Thánh Chử Đồng Tử, một trong tứ bất tử của tín ngưỡng truyền thống văn hóa Việt Nam.

Nếu như Tản Viên Sơn Thánh là biểu tượng cho sức mạnh cố kết của cộng đồng, khẳng định nó trước thiên nhiên, chế ngự những sức mạnh tàn phá của tự nhiên như mưa, gió, lũ lụt…

Thánh Gióng là biểu tượng sức mạnh đoàn kết nhân tài, vật lực của cộng đồng trong cuộc chiến chống xâm lược bảo vệ lãnh thổ và quyền làm chủ đất nước bất khả sâm phạm của mình.

Mẫu Liễu Hạnh là sự khẳng định quyền sống của con người, quyền bình đẳng với nam giới của phụ nữ, thoát khỏi sự ràng buộc của xã hội, của lễ giáo phong kiến đã lỗi thời, khát vọng vươn tới để đạt những ước vọng của hạnh phúc gia đình thì:

Thánh Chử Đồng Tử là biểu tượng của lòng hiếu thảo với cha mẹ, của tình yêu đôi lứa vượt trên tiền tài, địa vị, của ước muốn xây dựng một xã hội ổn định, công bằng, của nghĩa cử cứu độ chúng sinh đảm bảo sự trường tồn của xã hội, của cộng đồng. Đặc biệt là khởi đầu việc buôn bán ngoại thương của người Việt cổ.

Chử Đồng Tử đi vào tiềm thức dân gian và trường tồn qua năm tháng mặc bao biến thiên của lịch sử và dân bể, cuộc đời không chỉ là con người hiếu thảo, nhân ái, thuần hậu, chinh phục được lòng người mà còn là biểu tượng của một chí hướng phát triển của cộng đồng.

Đức Thánh Chử và Tiên Dung công chúa được thờ phụng tại 72 nơi trên địa bàn vùng đồng bằng và trung du Bắc bộ, chủ yếu là các làng ven sông Hồng, sông Đuống. Một trong những nơi thờ chính là đình Chử Đồng Tử và lăng mộ phụ thân, phụ mẫu của người là Chử Cù Vân và Bùi Thị Gia tại chính quê hương thôn Chử Xá, xã Văn Đức, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội.

Theo sử liệu Đại việt Sử ký toàn thư, Hùng Vương dựng nước làng xã ngoại thành Hà Nội và tư liệu hán nôm của Ban Quản lý di tích Hà Nội thì: Từ năm Quang Thuận thứ 7, triều Lê Thánh Tông, thì di tích đình và lăng mộ thân phụ, thân mẫu Thánh Chử Đồng Tử thuộc xã Chử Xá Châu, huyện Văn Giang, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc. Đến năm Minh Mạng thứ 3 (1822) thuộc trấn Bắc Ninh, cuối thế kỷ 19 đến năm 1945 thuộc tổng Đại Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Bắc Ninh và Hưng Yên.

Tháng 6/1961 Thủ đô Hà Nội mở rộng lần thứ nhất đưa xã Văn Đức về Huyện Gia Lâm, TP Hà Nội.

Những địa danh trên là vùng đậm đặc nhiều huyền tích và sự kiện lịch sử. Chử Xá là một làng việt cổ ven Sông Hồng có lịch sử tồn tại rất lâu đời, làng có tên nôm là làng Sứa một thời gian dài được gọi là Chử Xá. Người Chử Xá xưa nay vốn sồng bằng nghề nông và chài lưới.

Thành tựu khoa học mới đây đã khẳng định khu vực này là trung tâm thương nghiệp lớn bên cạnh làng gốm sứ Bát Tràng, cách trung tâm Thủ đô 13km về phía đông, cánh làng gốm sứ Bát Tràng 3km.

Chuyện kể rằng hồi ấy vợ chồng ông Chử Cù Vân sinh được một người con trai đặt tên là Chử Đồng Tử, nhà bị hỏa hoạn, mẹ mất sớm, cha con chỉ còn một chiếc khố vải, vì thế khi ai đi đâu thì mới dùng khố. Khi người cha bị ốm nặng đã rặn con “khi nào cha chết thì con cứ chôn trần cho cha, giữ lấy khố mà mặc”, người cha qua đời Chử Đồng Tử không đang tâm chôn trần cho cha, đã lấy khố mặc cho cha trước khi chôn cất, còn mình thì ở trần và ngày ngày ra sông lội nước ngập nửa người để câu cá và xin ăn của các thuyền buôn đi qua, tối lại lên ôm mộ cha khóc lóc thảm thiết.

Một hôm công chúa Tiên Dung dạo chơi đến bến sông mà Chử Đồng Tử sinh sống, cồng chiêng nổi lên, đàn sáo hòa nhịp, cờ lọng rợp trời, tùy tùng hộ tống rất đông. Chử Đồng Tử thấy vậy sợ quá, vội vàng chạy lên bãi cát cạnh khóm lau vùi mình xuống trú ẩn.

Thoạt sau Tiên Dung lệnh dừng thuyền, dạo chơi trên bãi cát, mến cảnh sông nước hữu tình, lệnh cho hầu nữ quây màn ngự dội ở khóm lau. Trút bỏ xiêm y, nàng dội nước lên tấm thân ngọc ngà và ngất ngây thưởng thức sự dịu mát của dòng nước sông Hồng đem lại. Bất ngờ nước chảy cát trôi lộ ra thân hình của một chàng trai. Giữa cảnh thanh thiên bạch nhật cả hai đều ở trong tư thế tự nhiên như khi lọt lòng mẹ. Công chúa bàng hoàng xấu hổ lo sợ hỏi rằng: “người kia là ai sao lại ở chốn này?”.

Chử Đồng Tử sợ hãi quỳ lạy xin tha tội và kể rõ nguồn cơn gia cảnh. Công chúa vô cùng xúc động, bèn sai người cho lấy quần áo cho mặc và nói: “Ta chưa định lấy chống, nhưng đây là duyên trời, ta không dám cưỡng lại” chàng đành phai thuận theo.

Tin này truyền về Kinh đô, Hùng Vương nổi giận la mắng:”Tiên Dung không biết trọng danh giá đi lang thang để lấy một thằng cùng đinh, còn mặt mũi nào nhìn thấy ta nữa”. Tiên Dung sợ không dam chở về nên cùng chồng mở một hiệu buôn, vùng đó ngày càng thịnh vượng, dân cư tập trung đông đúc, khách buôn ngoại quốc đều xem nàng như người đứng đầu trong vùng. Có một nhà buôn khuyên Chử Đồng Tử nên đi các vùng biển xã làm ăn buôn bán, Đồng Tử đi theo tới núi Quỳnh Lãng chàng trèo lên ngắm một chiếc am nhỏ sơ sài dụng tứ đỉnh núi.

Thấy Chử Đồng Tử có dáng điệu tiêu cốt, nhà sư bèn truyền cho đạo pháp, Chử Đồng Tử nhận ở lại học đạo sau một năm mới trở về nhà, Phật Quang cho chàng một chiếc gậy, một chiếc nón và dặn: “Những quyền pháp mầu nhiệm ở trong gậy và nón này” Chử Đồng Tử nhận báu vật và cáo biệt về nhà truyền đạo cho vợ.

Tiên Dung giác ngộ bỏ nghề buôn bán, hai vợ chồng cùng nhau đi học đạo, chu du thiên hạ cứu bệnh cho dân. Một hôm đang giữa chặng đường xa không có nhà cửa thế trời tối. Chử Đồng Tử bèn cắm chiếc gậy và treo nón để trú tạm, nào ngờ đâu vào khoảng canh ba thì thấy hiện lên thành quách lâu đài bằng đá quý, cùng tướng sĩ thị vệ như một triều đình rộng.

Sớm hôm sau dân trong vùng thấy lạ kính cẩn đau nhau mang lễ vật dâng cho hai vợ chồng Chử Đồng Tử. Tin đồn về Kinh đô, vua cho rằng Tiên Dung và Chử Đồng Tử là những kẻ phản loạn, bèn sai binh mã đến hỏi tội. Binh lính nhà vua gần tới nơi, những người thân cận xin công chúa cho quân ra chống cự, Tiên Dung mỉm cười nói: “Ta có gây nên cơ sự này đâu, mọi việc đều do ý trời cả. Ta sống hay chết cũng nhờ trời làm sao dám chống lại vua cha. Nếu cha ta phán quyết ta cũng cam chịu”. Khi binh lính nhà vua kéo gần tới nơi thì trời tối đành hạ trại đóng quân nhưng vào lúc nửa đêm bỗng nổi một trận cuồng phong, chỉ trong khoảnh khắc cà tòa thánh cùng Chử Đồng Tử, Tiên Dung đều bay lên trời. Hôm sau người ta thấy bãi cát trơ trọi giữa đám đầm lầy mênh mông, người đời sau này gọi là đầm Nhất Dạ (đầm được hình thành trong một đêm) hay là đầm Dạ Trạch.

Chử Đồng Tử là người có đức độ, có lòng hiếu thảo với cha mẹ, lại có huyền thoại đẹp với công chúa Tiên Dung khi hai người xe duyên tình cờ trên bãi cát ven sông Hồng, là biểu tượng cho truyền thống ngoại thương, buôn bán của người Việt cổ nên sự tích về Đức Thánh Chử Đồng Tử được bao trùm trong màn huyền thoại, được nhân dân tô điểm thành những biểu tượng văn hóa tiêu biểu. Chính vì lẽ đó mà hàng loạt công trình văn hóa được xây dựng, hàng loạt địa danh mang sự tích thần kỳ về Chử Đồng Tử.

Trong 72 di tích thờ đức Thánh Chử Đồng Tử, bãi Tự nhiên xã Tự nhiên huyện Thường Tín, thôn Dạ Trạch và Chử Xá xã Văn Đức, Gia Lâm, Hà Nội là những nơi có những chứng tích điển hình nhất.

Đặc biệt Chử Xá là nơi sinh và phát tích của đức Thánh Chử lại có lăng mộ của thân phụ, thân mẫu đức Thánh là Chử Cù Vân và Bùi Thị Gia.

Dân làng Chử Xá rất vinh dự và tự hào có người con rất hiếu thảo và mối tình đẹp như Chử Đồng Tử và Tiên Dung công chúa. Đẹp thay một mối duyên đời, mà sau lại hóa duyên trời trường sinh.

Tôn thờ người và giữ gìn bảo vệ lăng mộ thân phụ và thân mẫu của Người, để giáo dục cho các thế hệ con cháu muôn đời sau học tập và noi theo, xứng đáng là con cháu Bác Hồ, người thường dạy và nêu gương “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây”, “tận trung với nước, tận hiếu với dân”. Đó là đạo lý cốt cách nhân phẩm của người Việt Nam con rồng cháu tiên.

Ơn Đảng, ơn Bác Hồ và sự hy sinh xương máu của hàng triệu liệt sỹ, thương binh và người có công đã đánh thắng 2 đế quốc to lớn và bọn bành trướng giành lại độc lập tự do và toàn vẹn lãnh thổ cho tổ quốc chúng ta. Làng Chử Xá chúng ta được đổi đời nhất là từ thời kỳ đổi mới đến nay, được sự lãnh đạo đúng đắn và tích cực của Đảng bộ xã và Chi bộ Đảng của thôn. Nhân dân Chử Xá đã đoàn kết thương yêu nhau, ra sức thi đua, học tập và làm theo gương Bác Hồ Chí Minh. Tích cực sản xuất chăn nuôi đạt nhiều kết quả; giữ vừng trật tự an toàn xã hội xóa gần hết hộ nghèo và nhà cấp 4, xây dựng được trên 90% gia đình đạt gia đình văn hóa, làng đạt làng văn hóa, chi bộ Đảng và các đoàn thể đều đạt chuẩn “trong sạch vững mạnh”.

Do đó đã góp phần tích cực với xã đạt chuẩn nông thôn mới và được nhà nước tặng thưởng nhiều huân chương các loại: Huân chương chiến công, Huân chương lao động, đặc biệt là được phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang thời kỳ chống Mỹ cứu nước”.

Tiếp theo tôi xin nói thêm một số chi tiết về thờ tự và các di vật lưu giữ trong di tích:

Đình có diện tích 7420m2, kiến trúc theo kiểu chữ Đinh, 5 gian tiền tế, 2 gian trung đình, 1 gian hậu cung.

Các công trình phụ trợ: Có 2 giải võ, mỗi giải có 7 gian nhà ngói ở bên phải và trái của đình, đây là nơi dân làng đến họp hành và chờ vào lễ Thánh, nơi tiếp khách thập phương (còn 2 gác chuông cổng+Văn chỉ và cổng Tam quan rất đẹp đã bị phá hủy năm 1956).

Lăng mộ: Có diện tích 4194m2 , nằm cách Đình 800m, lăng rộng 300m2 xây tường xung quanh, cửa ra vào ở phía tây do 4 cột trụ tạo thành, giữa lăng là ngôi mộ lớn (nước lên ngập hàng năm nhưng cũng không tôn cao hoặc hạ thấp hàng trăm năm vẫn như thế), mới đây có xây gạch hình lục giác mỗi cạnh 2,2m, sát cuối lăng là ngôi miếu nhỏ 2 tầng, 6 mái lợp ngói ống bán nguyệt, tầng dưới xây bệ cuốn, tầng trên thờ 2 pho tượng phụ thân, phụ mẫu đức Thành Chử. Trên đỉnh miếu có đề 4 chữ “Đại đức viết sinh”, hai bên miếu có 2 câu đối

Tùng thu mẫu địa cốt lưu hương

Tăng hải cơ thiên lăng thượng tại

Các di vật lưu giữ tại di tích:

Có 47 sắc phong thần + 1 bằng công nhận di tích của Bộ Văn hóa.

  1. Thời Lê có: + Dương đức tam niên (1675)

+ Chích hòa tứ niên (1684)

+ Vĩnh khánh nhi Yên (1734)

+ Cảnh Hưng năm 28 (1768) và năm 44 (1784)

  1. Thần phả có 2 cuốn ghi sự tích Phù Đổng Thiên Vương và Chử Đồng Tử.
  2. 06 hoành phí, 2 câu đối, 03 cuốn thư trạm thủng sơn son thếp vàng.
  3. 04 cửa võng trang trí tứ linh thế kỷ 19.
  4. 6 long ngai bài vị được trang trí tỉ mỉ, trong đó có 3 bộ được làm ở thế kỷ 18, chiếc lớn nhất đặt bài vị Đức Thánh Chử, 3 bộ long ngai là những hiện vật đẹp, quý hiếm, ít thấy hiện nay.
  5. 02 quán tẩy sơn son thếp vàng rất đẹp và quý hiếm.
  6. 02 hương án thế kỷ 18-19
  7. 02 bộ đòn kiệu niên đại thế kỷ 18.
  8. 01 long đình thế kỷ 19
  9. 02 tượng tròn thế kỷ 18 (ở lăng mộ)
  10. 01 chân đèn đối mạc được trang trí công nổi ở thân hàng chữ hán ghi: Đoan khánh sơ niên (1585).
  11. 02 chuông chùa đời Cảnh Thịnh, 01 tượng thích ca nhỏ bằng đồng, hiện ở chùa Minh Đức Tự.

LỄ HỘI

Hàng năm thường có hội làng và 3 năm tổ chức lễ hội lớn vào các ngày 17, 18, 19 tháng giêng âm lịch. Đã có câu ca:

Nhắn người Chử Xá ở đâu, tháng giêng 18 rủ nhau mà về

Hỡi người Chử Xá xã quê, nhớ lấy mà về 18 tháng giêng

Phần lễ: Có tế lễ nam nữ ở đình và lăng, rước nước ở sông Hồng và rước cỗ bánh  xuống lăng mộ tổ. Đặc biệt có phần lễ chữ “Thiên hạ thái bình” của các cháu đội trống và xinh tiền. Rước quỹ hiếu thảo. Đã được Thành phố chọn lên biểu diễn mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội.

Phần hội: Có các trờ chơi: đập niêu, kéo co, chọi gà, vật, võ gậy, võ thuật, hát quan họ tại ao lăng mộ tổ, biểu diễn văn nghệ của đội văn nghệ thôn, tuyên dương các cháu chăm ngoan học giỏi và thi đỗ Đại học.

Điểm đáng chú ý là Đình và Chùa đều có hầm bí mật bảo vệ cán bộ du kích trong những năm chống Pháp (thôn, xã nằm trong vùng tạm chiếm của địch).

Kính thưa các cụ, các vị khách quý và các đồng chí đại biểu cùng các anh, các chị.

Với tuổi gần 90, mắt mờ, chân chậm, tay run, tai nghễnh ngãng, hôm nay vinh dự được tiếp chuyện các cụ và các vị đại biểu về thăm nơi sinh và phát tích đức thánh Chử ở thôn Chử Xá chúng tôi, nếu có điều gì khiếm khuyết xin được lượng thứ và góp ý kiến bổ sung để được hoàn chỉnh hơn.

Kính chúc sức khỏe các cụ, các vị khách quý và toàn thể các ông các bà.

Xin chân thành cảm ơn!.

Tag :