Cải thiện môi trường lao động trong các làng nghề 22/04/2017

Bà Chử Thị Lân, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Điều kiện lao động (Viện KHLĐ&XH) cho biết: Mô hình quản lý ATVSLĐ tại khu vực làng nghề Đông Mai tập trung vào các hoạt động tư vấn, huấn luyện cho chính quyền địa phương (tư vấn thành lập bộ máy quản lý ATVSLĐ: Xây dựng cơ chế hoạt động, quy chế quản lý, lập kế hoạch…); Tư vấn, huấn luyện cho cơ sở sản xuất; Lồng ghép tuyên truyền, phổ biến ATVSLĐ trong các chương trình, chiến dịch chung của xã;

Hiện, nước ta có trên 5.000 làng nghề, giúp tạo việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn lao động và sức khỏe như: Ý thức kỷ luật, tuân thủ pháp luật thấp, công nghệ sản xuất kém tiên tiến, điều kiện lao động nhiều rủi ro, công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) chưa được quan tâm… Trước thực trạng đó, theo các chuyên gia về ATVSLĐ, việc triển khai áp dụng Mô hình quản lý ATVSLĐ tại khu vực làng nghề là rất cần thiết.

Chuyện ở một làng nghề
Làng nghề tái chế chì Đông Mai (xã Chỉ Đạo, Văn Lâm, Hưng Yên) hình thành từ những năm 1970 với hoạt động chính là thu gom, phá dỡ bình ắc-quy và tái chế chì. Sau mấy chục năm làm nghề, làng Đông Mai đã bị nhiễm độc chì khá nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân.
Trước tình trạng đó, chính quyền địa phương đã có nhiều biện pháp mạnh để giảm tình trạng ô nhiễm môi trường và nhiễm độc chì tại làng nghề; trong đó, thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân không hoạt động tái chế chì và chuyển sang nghề khác; di dời vào cụm công nghiệp làng nghề. Hiện, làng nghề còn 1 công ty và 30 cơ  sở với trên 420 người lao động tham gia trực tiếp.
Theo khảo sát của Viện KHLĐXH, các cấp chính quyền ở đây còn thiếu chuyên môn, khả năng tiếp cận thông tin về công tác ATVSLĐ còn hạn chế; công tác quản lý, thanh kiểm tra ATVSLĐ trong khu vực làng nghề còn lỏng lẻo. Tại các cơ sở sản xuất thiếu sự quan tâm hoặc quan tâm không đúng cách về công tác ATVSLĐ; không tuân thủ pháp luật lao động nói chung và công tác ATVSLĐ nói riêng.
Bà Chử Thị Lân, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Điều kiện lao động (Viện KHLĐ&XH) cho biết: Mô hình quản lý ATVSLĐ tại khu vực làng nghề Đông Mai tập trung vào các hoạt động tư vấn, huấn luyện cho chính quyền địa phương (tư vấn thành lập bộ máy quản lý ATVSLĐ: Xây dựng cơ chế hoạt động, quy chế quản lý, lập kế hoạch…); Tư vấn, huấn luyện cho cơ sở sản xuất; Lồng ghép tuyên truyền, phổ biến ATVSLĐ trong các chương trình, chiến dịch chung của xã; Thành lập và duy trì chuyên mục phát thanh về ATVSLĐ&MT; Tổ chức chiến dịch hành động về ATVSLĐ tại khu cụm công nghiệp; Đồng thời thực hiện kiểm tra, giám sát… Mô hình đã nhận được sự đồng thuận và hưởng ứng của các thành phần tham gia và tạo ra hiệu quả rõ rệt: Các cơ sở sản xuất không còn để nguyên, nhiên vật liệu và sản phẩm cản lối đi; Cách ly vật dụng dễ cháy nổ với các nguồn nhiệt, nguồn điện; Hệ thống điện được bố trí gọn gàng, dây dẫn điện được bao bọc cẩn thận và hạn chế để ở sàn thao tác, gần nguồn nhiệt hoặc ẩm ướt; Yêu cầu người lao động dọn dẹp gọn gàng sau mỗi ca làm việc; Khu vực nghỉ giữa ca của người lao động được bố trí ở nơi thoáng mát, cách xa nơi phá dỡ ắc-quy; 100% cơ sở tham gia mô hình đã quan tâm hơn tới việc trang bị và yêu cầu người lao động sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân.
Đơn giản, dễ thực hiện, không chi phí
Mô hình chủ yếu ở các làng nghề là hộ gia đình, Công ty TNHH và doanh nghiệp tư nhân, hoạt động với quy mô sản xuất nhỏ, lẻ, công nghệ lạc hậu, đơn giản, vốn đầu tư thấp, vì thế việc cải tiến công nghệ và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật rất hạn chế. Hầu hết các cơ sở sản xuất đều không có hệ thống thông gió, hút bụi, xử lý hơi khí độc trong nhà xưởng, ngay cả các cơ sở sản xuất sử dụng nhiều hóa chất, nhiều chất dễ cháy, dễ nổ (a-xít, xút, cao su, xà phòng, đồ nhựa…). Việc tổ chức sản xuất – tổ chức lao động không hợp lý, lao động thủ công chiếm tới 70 – 80% và có tới gần 80% các khâu trong dây chuyền công nghệ người lao động phải làm việc trong điều kiện nặng nhọc, vất vả; không có hoặc thiếu bộ phận làm công tác ATVSLĐ.
Nhiều cơ sở sản xuất không trang bị, hoặc trang bị không đầy đủ các phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động; việc tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cho người lao động sơ sài, hình thức, thậm chí nhiều nơi không tổ chức huấn luyện; không có sổ sách theo dõi, thống kê đầy đủ tình hình tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thực hiện không nghiêm túc chế độ khai báo khi xảy ra tai nạn…
Có thể nói, công tác quản lý ATVSLĐ các cấp đối với làng nghề gần như đang bị bỏ ngỏ: Rất ít các cuộc thanh kiểm tra việc tuân thủ luật pháp về lĩnh vực ATVSLĐ, kiểm tra việc sử dụng các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn tại các hộ gia đình/doanh nghiệp. Trong khi đó, đây là khu vực tiềm ẩn nhiều nguy cơ cao về mất an toàn.
Để đáp ứng được mục tiêu phát triển bền vững về kinh tế, xã hội, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đảm bảo sức khỏe cho người lao động cũng như cộng đồng dân cư, đồng thời tăng cường sự tham gia của các cấp chính quyền, người dân trong công tác xã hội hóa ATVSLĐ và bảo vệ môi trường, các cơ quan quản lý Nhà nước các cấp cần khuyến khích triển khai áp dụng Mô hình quản lý ATVSLĐ tại khu vực làng nghề.
Thời gian qua, Mô hình đã được triển khai áp dụng thí điểm và nhân rộng tại nhiều làng nghề: Năm 2010 – 2011, làng nghề tái chế sắt thép Đa Hội (Bắc Ninh) và làng nghề gạch gốm Mang Thít (Vĩnh Long). Năm 2012, làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân (Ninh Bình) và làng nghề đúc đồng Phước Kiều (Quảng Nam). Năm 2013, làng nghề tái chế nhựa Minh Khai (Hưng Yên) và làng nghề cô đúc nhôm Bình Yên (Nam Định). Năm 2014, triển khai nhân rộng mô hình tại làng nghề đúc đồng Đại Bái (huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh). Năm 2015, tại làng nghề Đông Mai, Văn lâm, Hưng Yên…
Bà Chử Thị Lân cho biết: Mô hình quản lý ATVSLĐ cho các làng nghề trong khu dân cư ngày càng được hoàn thiện với chủ trương: khoa học, đơn giản và hiệu quả… đồng thời đề cao tính linh hoạt trong tổ chức bộ máy quản lý để phù hợp với đặc thù từng địa phương. Chính vì thế, mô hình đã nhận được rất nhiều sự quan tâm, ủng hộ của các cấp chính quyền địa phương, các cơ sở sản xuất làng nghề và cả cộng đồng dân cư. Mô hình giúp kiểm soát nguy cơ mất an toàn, gây tai nạn lao động và nâng cao hình ảnh cơ sở, đảm bảo luật pháp lao động.
Tuy nhiên, để Mô hình phát huy hiệu quả một cách bền vững, cần có các nghiên cứu đánh giá thực trạng, nguyên nhân mất ATVSLĐ và ô nhiễm môi trường tại các làng nghề có nguy cơ cao một cách bài bản; Xây dựng chương trình hỗ trợ thực thi pháp luật về ATVSLĐ cho khu vực làng nghề, khu vực phi chính thức thay vì ép buộc thực hiện. Mô hình cần có sự tham gia sâu hơn của Sở LĐTBXH và Phòng LĐTBXH, Hiệp hội Làng nghề, có sự tham gia của thanh tra ATVSLĐ nhằm tư vấn, hướng dẫn doanh nghiệp thực thi pháp luật tốt hơn. Bên cạnh đó, cần tăng cường tuyên truyền, tập huấn, phổ biến kiến thức về ATVSLĐ, đặc biệt là các chiến dịch ATVSLĐ, đẩy mạnh phổ biến kinh nghiệm điển hình tiên tiến các làng nghề đã thực hiện thành công mô hình quản lý ATVSLĐ.

Châu Anh/GĐ&TE

Tag :